Văn hóa ứng xử trong gia đình luôn là vấn đề được quan tâm và coi trọng dù là quốc gia, dân tộc nào; đặc biệt trong các gia đình Việt thì văn hóa ứng xử gia đình là nét đẹp lâu đời, truyền thống của dân tộc ta. Đó là sự chung thuỷ, tình nghĩa giữa vợ chồng; lòng yêu thương, hy sinh cho con cháu; hiếu đễ với cha mẹ; hòa thuận, nhường nhịn, chia sẻ, đùm bọc giữa các anh chị em…
Trong tâm thức của người Việt, vốn quí giá nhất của cha mẹ chính là con cái. Cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục nhân cách cho con từ khi còn nhỏ và theo sát bên con đến khi trưởng thành. Vì vậy, quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất thiêng liêng, bao hàm mối quan hệ sinh thành, dưỡng dục, là sự nối tiếp giữa hai thế hệ “Cha truyền, con nối”, kể cả đối với con nuôi hay con riêng của vợ hoặc chồng.
Con người có sự thay đổi nhất định về tâm sinh lý, nhận thức trong từng giai đoạn tuổi tác, sức khỏe, chịu tác động của hoàn cảnh, môi trường… Người trong cùng gia đình vẫn cần tìm hiểu nhau để chuẩn bị tốt cho giao tiếp, tránh chủ quan, hiểu lầm, định kiến. Không có chủ ý và chuẩn bị tốt cho giao tiếp dễ dẫn đến thấy đâu nói đó, lâu ngày thành quen, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Trong gia đình, cha mẹ cần quan tâm, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, cuộc sống của các con, nhất là lứa tuổi vị thành niên. Cha mẹ cần có sự phân công hợp lý trong tìm hiểu con trai, con gái giúp cho việc giao tiếp giữa cha mẹ và con đạt hiệu quả tích cực.