Theo Lê Ngọc Văn (2011) “Văn hóa gia đình là hệ thống những giá trị, chuẩn mực khu biệt đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, các tộc người, các dân tộc và khu vực khác nhau được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội” (Lê Ngọc Văn, 2011). Còn tác giả Lê Hồng Lý lại nhìn nhận văn hóa gia đình nghiêng về thực hành hàng ngày: “văn hóa gia đình là những thực hành hàng ngày của các thành viên trong gia đình nhằm củng cố và phát triển các mối quan hệ tình cảm, đạo đức tạo nên một gia đình bền vững” (Lê Hồng Lý, 2018).
Dù nhìn nhận văn hóa gia đình dưới góc độ nào, thì chúng ta đều thấy, văn hóa gia đình là cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và giữa gia đình với xã hội diễn ra hàng ngày. Văn hóa gia đình được thể hiện cụ thể, rõ ràng trong nếp sống, trong sinh hoạt, suy nghĩ, tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình. Chiều sâu văn hóa gia đình là gia phong, là lối sống, nề nếp riêng của một gia đình, trở thành niềm tự hào, là nguồn lực nội sinh, tự giác của mỗi thành viên gia tộc trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của gia đình, gia tộc ấy. Gia phong theo Từ điển Tiếng việt của Đào Duy Anh là “thói nhà, tập quán giáo dục trong gia tộc”. Gia phong bền vững sẽ là nội lực để mọi thành viên gia đình thêm bản lĩnh vững vàng trước tác động tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài để bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của một gia đình, gia tộc.
Văn hóa gia đình xây dựng trên nền tảng nhân văn, đề cao giá trị đạo đức, nề nếp, kỷ cương một cách tự giác, nuôi dưỡng tâm hồn, rèn rũa phẩm chất, hình thành nhân cách con người. Gia đình tốt, sẽ sinh ra những con người tốt, là đảm bảo cho một xã hội tiến bộ, văn minh, đất nước phát triển bền vững. Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Nhiều thập kỷ qua, văn hóa đã được cụ thể trong tiêu chí xây dựng gia đình, xây dựng khu dân cư văn hóa, được các cộng đồng đưa vào hương ước; được các gia đình, dòng họ đưa vào quy ước của gia đình, gia tộc.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đưa các tiêu chí văn hóa vào nội hàm của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, được triển khai thực hiện tại 100% cơ sở Hội hơn 10 năm qua. 5 năm gần đây, Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới, đã gắn các tiêu chí địa bàn văn hóa với hàng trăm nghìn công trình, phần việc do phụ nữ đảm nhận, nổi bật là xây dựng cảnh quan môi trường, duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao ở khu dân cư…, các mô hình câu lạc bộ, hoạt động giáo dục người thân không vi phạp pháp luật và tệ nạn xã hội, xây dựng làng phụ nữ kiểu mẫu, khu dân cư an toàn, đoạn đường phụ nữ tự quản…
Văn hóa là mẫu số chung cho sự phát triển của xã hội, thì văn hóa gia đình – một bộ phận của văn hóa vẫn luôn giữ vai trò quan trọng. Vấn đề là làm sao để giá trị ấy tiếp tục thấm sâu, thực sự là mạch nguồn cho gia đình phát triển trong bối cảnh mới, nhằm chung tay vun đắp các giá trị văn hóa gia đình.