Để người bị bạo lực gia đình được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, bên cạnh việc sửa đổi một số quy định hỗ trợ pháp lý cho nhóm đối tượng này, cần phải tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL cho những người bị bạo lực gia đình:
Thứ nhất, nghiên cứu thực hiện cơ chế người thực hiện TGPL trực ở trụ sở hoặc trực qua điện thoại tại một số cơ quan tiến hành tố tụng (công an, tòa án) giúp có cơ chế để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được tiếp cận sớm với TGPL, đặc biệt là ở những địa phương có tỷ lệ người thuộc diện TGPL cao, điều kiện cơ sở vật chất của các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm, có nguồn nhân lực TGPL từ đó góp phần bảo đảm đáp ứng được nhu cầu TGPL của người bị bạo lực gia đình một cách nhanh chóng và kịp thời nhất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, người tiến hành tố tụng khi thụ lý vụ việc phải thực hiện hướng dẫn và thông báo về các cá nhân thuộc diện TGPL đến các trung tâm, chi nhánh TGPL tại địa phương.
Thứ hai, truyền thông về TGPL giữ một vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về TGPL đến với người dân, là một yếu tố quan trọng giúp người dân tiếp cận và trực tiếp thụ hưởng quyền của mình được pháp luật quy định. Để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, cần thực hiện một số công việc như sau:
+Đa dạng hóa và đổi mới/sáng tạo các phương thức truyền thông về TGPL (qua báo, đài phát thanh, truyền hình, internet; vẽ tranh/diễn kịch giới thiệu về TGPL;…) phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là phù hợp với nhóm người dân tộc thiểu số, chẳng hạn xây dựng video, kịch bản liên quan đến câu chuyện pháp luật; đối với các dân tộc có chữ viết thì biên soạn tài liệu bằng tiếng dân tộc, có sự phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan thông tin, đại chúng;
+ Tập huấn, tăng cường hiểu biết về TGPL cho những người có điều kiện tiếp xúc hàng ngày với người dân như cán bộ xã, phường, giáo viên trên địa bàn, công an xã, trưởng thôn, cán bộ hòa giải, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, già làng, trưởng bản… để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người được TGPL cần phải gửi đơn hoặc liên hệ với ai, cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích của mình;
+ Thiết lập và duy trì đường dây nóng về TGPL để người dân có thể gọi tới bất cứ khi nào nếu có tranh chấp, vướng mắc pháp luật và các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra, có thể thông tin sớm nhất cho tổ chức thực hiện TGPL ngay khi thụ lý vụ việc tố tụng;
+ Tiếp tục cung cấp đầy đủ Bảng tin, hộp tin TGPL đặt tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, nhà tạm giữ; dịch tờ gấp pháp luật, các luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân sang tiếng dân tộc thiểu số (đối với những nơi người dân tộc thiểu số có chữ viết và biết đọc); xây dựng các bảng thông tin về TGPL đặt tại UBND cấp xã, nhà sinh hoạt thôn…