Vai trò, trách nhiệm của gia đình về quyền trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng được thể hiện tại Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em, đây là văn kiện quan trọng nhất về quyền trẻ em trong hệ thống pháp luật quốc tế. Công ước được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 20/11/1989 và có hiệu lực từ ngày 2/9/1990. Đây là văn bản quốc tế thấm đậm tính nhân văn, đề cập một cách toàn diện, sâu sắc, xác định tính pháp lý về quyền trẻ em và trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Lời mở đầu Công ước khẳng định “Do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt”. Công ước nêu rõ đó là trách nhiệm của quốc gia, các tổ chức xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng “Gia đình với tư cách là nhóm xã hội cơ bản và môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của tất cả các thành viên gia đình, đặc biệt là trẻ em cần có sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết”. Điều 18 Công ước khẳng định “Cả cha và mẹ đều có trách nhiệm chung trong việc nuôi dưỡng và phát triển trẻ em. Cha, mẹ có trách nhiệm hàng đầu trong việc nuôi dưỡng, phát triển trẻ em”. Điều 19 Công ước nêu rõ các gia đình phải “bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị tổn thương hay bị lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc chăm sóc sao nhãng, bị ngược đãi hoặc bóc lột gồm cả lạm dụng tình dục trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng tay chăm sóc của cha hay mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ”.
Các nội dung trên cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng, trách nhiệm hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em cả về thể chất và tinh thần nói riêng, để trẻ em được an toàn và phát triển.
Cũng theo Công ước về quyền trẻ em (CRC, năm 1989) và hai Nghị định thư không bắt buộc bổ sung CRC được thông qua năm 2000 (Nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang). Trong đó khái niệm “Trẻ em” được xác định là những người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đây là một điều luật mở cho các quốc gia thành viên. Theo đó, các quốc gia thành viên có thể quy định các quyền trẻ em được bắt đầu ngay khi mang thai hay sau khi ra đời; và về độ tuổi được coi là trẻ em thấp hơn 18 tuổi so với quy định của CRC. Quyền trẻ em được quy định dưới 04 dạng, trong đó 02 dạng đầu là quyền trực tiếp, 02 dạng sau, tạm gọi là quyền gián tiếp hay quyền thụ động. Việc bảo đảm các quyền này đều gắn liền với trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình:
Quyền: được sống và phát triển, có họ tên và quốc tịch…
Tự do (hay quyền cơ bản): tự do tiếp nhận thông tin, tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo…
Trách nhiệm của cha mẹ và xã hội: Thực hiện các quyền trẻ em, có quyền và nghĩa vụ định hướng và đưa ra những chỉ dẫn phù hợp…
Bảo vệ của cha mẹ và xã hội: Khỏi sự bóc lột và lạm dụng tình dục, khỏi bị mua bán và bắt cóc, khỏi bị tra tấn và tước đoạt tự du, khỏi ảnh hưởng của xung đột vũ trang….