Nhà trường được xem là cái nôi thứ hai sau gia đình, có nhiệm vụ nuôi dưỡng, bảo ban, dạy dỗ trẻ em. Nếu như trẻ được hình thành nhân cách từ trong gia đình thì nhà trường có công bồi đắp, dung dưỡng để nhân cách ấy trở nên tốt đẹp, để các học sinh sẽ trở thành công dân tốt trong tương lai. Nhà trường có 2 nhiệm vụ quan trọng góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu nạn BLGĐ, thứ nhất là trang bị kiến thức về BLGĐ để học sinh hiểu và tránh thực hiện các hành vi bạo lực nói chung, BLGĐ nói riêng, hoặc có những kỹ năng chống lại BLGĐ; thứ hai là giúp đỡ, hỗ trợ các học sinh là nạn nhân của nạn BLGĐ.
Việc trang bị kiến thức về BLGĐ, trước hết thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục. Các cơ quan, cá nhân xây dựng chương trình giáo dục, các cơ quan hoạch định chính sách cần phải rà soát các môn học, các chương trình giáo dục hiện nay dưới lăng kính giới để loại bỏ những nội dung ngôn ngữ hay hình ảnh còn thể hiện định kiến giới, khuôn mẫu giới. Đồng thời, cần bổ sung những cách thức bảo vệ hiệu quả cho các nhóm có nguy cơ cao (trong đó có học sinh LGBT) vào trong các quy định, hướng dẫn phòng ngừa bạo lực, kèm theo giải thích phù hợp về các khái niệm, quan điểm liên quan đến đa dạng giới, biểu hiện giới và tính dục… Tại sao BLGĐ lại liên quan đến vấn đề giới? Theo nhiều nghiên cứu, yếu tố cơ bản nhất gây ra nạn BLGĐ là nhận thức về vấn đề bình đẳng giới còn hạn chế, bất bình đẳng giới là gốc rễ của BLGĐ. Ảnh hưởng của nền văn hóa phong kiến với những quan niệm mang đậm màu sắc định kiến giới, đó là những định kiến nằm ngay trong truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, chuẩn mực đạo đức bấy lâu nay trong xã hội: tư tưởng trọng nam, khinh nữ; chồng chúa, vợ tôi; tư tưởng gia trưởng; định kiến giới: phụ nữ là người giữ gìn hạnh phúc gia đình – “một điều nhịn là chín điều lành”… Những quan niệm này đã khiến cho người nam giới cho rằng họ có vai trò trụ cột trong gia đình, có quyền định đoạt mọi việc, họ luôn có tư tưởng mình là “tiếng nói” trong gia đình nên có thể mắng chửi vợ một vài câu là điều bình thường, thậm chí tát vợ một vài cái cũng không sao; hay do hiểu sai mục đích của biện pháp nghiêm khắc trong giáo dục con cái theo quan niệm “yêu cho roi, cho vọt” dẫn đến nhiều bậc cha mẹ tự cho mình quyền được đánh đập, hành hạ con cái mình. Rồi nhận thức của chính bản thân của người phụ nữ bị bạo lực: họ mang tư tưởng: “xấu chàng hổ ai”, họ sợ: “vạch áo cho người xem lưng”, hay sợ hàng xóm, bạn bè chê cười… nên ra sức cam chịu. Cộng đồng, xã hội coi vấn đề BLGĐ là chuyện thông thường, chuyện riêng của mỗi gia đình: “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”, sự can thiệp, lên án của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương chỉ mang tính chất nhất thời, mờ nhạt. Do đó, BLGĐ vẫn có điều kiện tồn tại và phát triển.
Do vậy, các khía cạnh liên quan đến giới và giới tính, bình đẳng giới, đa dạng giới cần được các nhà giáo dục và chuyên gia xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa rà soát, nhìn nhận lại một cách thấu đáo và toàn diện hơn. Điều này có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo các nội dung giáo dục và hoạt động trong trường sẽ được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và những cam kết của Việt Nam đối với các công ước quan trọng, cũng như phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục hiện nay. Nó bao gồm cả việc đưa ra những mô tả toàn diện về BLGĐ dưới nhiều hình thức thể hiện, cùng những tình huống giả định với minh họa về cách thức ngăn ngừa BLGĐ. Những điều đó sẽ tạo cơ hội cho cả giáo viên và học sinh có những trải nghiệm dạy và học hữu ích, nâng cao nhận thức về sự đa dạng và tăng cường năng lực của họ trong việc giải quyết các vấn đề BLGĐ một cách đúng đắn, hiệu quả.
Các trường học nên đầu tư bổ sung vào tủ sách và thư viện của nhà trường các tài liệu liên quan đến giới và giới tính, bình đẳng giới, xu hướng tính dục và đa dạng giới để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.
Ban Giám hiệu các nhà trường cần tiến hành các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, hội thảo, tọa đàm… cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, đa dạng giới cũng như phòng chống BLGĐ. Điều này là thiết yếu để giúp giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường có nhận thức đúng đắn hơn về các hình thức biểu hiện và đặc điểm của BLGĐ.
Khuyến khích giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh, hướng vào các chủ đề bình đẳng giới và đa dạng giới để tạo cho các em cơ hội nâng cao nhận thức và thái độ đối với những vấn đề này, xây dựng các mối tương tác và quan hệ bạn bè tích cực giữa và trong nhóm bạn học với sự tôn trọng đúng mực đối với những khác biệt, phát triển và rèn luyện những kỹ năng phòng chống và báo cáo các hành vi bạo lực. Học sinh cần được tiếp xúc ngay từ khi còn nhỏ tuổi với các khái niệm về bình đẳng giới, đa dạng giới, và sự cần thiết phải tôn trọng giới tính và sự đa dạng tính dục của người khác theo các nguyên tắc về quyền con người. Nói cách khác, khi được tiếp cận từ sớm với quyền con người, các em sẽ ý thức được hành vi và trách nhiệm của bản thân. Khi học sinh đạt được hiểu biết ở mức độ cao hơn thì các em có thể tham gia thảo luận sâu với thông tin toàn diện hơn, thậm chí, có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu, tìm hiểu.
Nhà trường cần xây dựng và thực thi các quy định phòng chống BLGĐ với quy trình rõ ràng đối với cả học sinh và giáo viên, bao gồm những nguyên tắc cơ bản là chấp nhận những khác biệt, không chấp nhận sự phân biệt đối xử và bạo lực. Khuyến khích lãnh đạo và giáo viên, cán bộ nhà trường xây dựng văn hóa phi bạo lực, không kỳ thị và không phân biệt đối xử trong nhà trường thông qua việc tham gia vào các chiến dịch vận động, nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường và cha mẹ học sinh về sự chấp nhận đa dạng giới trong trường học.
Nhà trường cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc và hiệu quả với những vụ bạo lực hoặc chủ động ngăn chặn không để những mầm mống của bạo lực phát triển. Rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây cho thấy vai trò của nhà trường trong phòng chống bạo lực dường như chưa thực sự hiệu quả. Bạo lực học đường rất có thể là mầm mống nảy sinh BLGĐ trong tương lai của các em học sinh này. Nhà trường cũng cần có những quy định về việc giám sát và quản lý một cách hiệu quả việc sử dụng các thiết bị di động, mạng internet, facebook của học sinh, nhằm phát hiện những biểu hiện ban đầu, tiềm ẩn nguy cơ bạo lực từ các em và từ gia đình của các em.
Để thực hiện vai trò giúp đỡ, hỗ trợ các học sinh là nạn nhân của BLGĐ, nhà trường nên chủ động thành lập phòng công tác xã hội học đường, dịch vụ tâm lý học đường hoặc các phòng tham vấn cho học sinh do những cán bộ, nhân viên được đào tạo nghiệp vụ đảm nhận. Những chuyên gia tâm lý học đường này sẽ đảm đương vai trò cùng với nhà trường phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, đồng thời, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả việc xử lý và can thiệp khi bạo lực xảy ra. Những phòng tham vấn này nên xây dựng theo hướng phù hợp với tâm sinh lý, độ tuổi của các cấp học, để các em học sinh luôn đảm bảo sự an toàn khi chia sẻ về nạn BLGĐ cũng như cảm thấy được che chở, bảo vệ, “tạm lánh” khỏi BLGĐ.
Nhà trường cần thiết lập và duy trì, thông qua nhiều kênh liên lạc khác nhau cũng như các hình thức hoạt động đa dạng hơn – các mối liên hệ hợp tác chặt chẽ với cha mẹ học sinh và cộng đồng địa phương để bảo vệ và đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho học sinh. Đặc biệt, sự phối hợp giữa nhà trường và tổ dân phố, khu dân cư nơi các em sinh sống sẽ có tác dụng hỗ trợ, bảo vệ, giảm thiểu những nguy cơ, hậu quả do nạn BLGĐ gây ra cho các em học sinh.