Người cao tuổi chuyển đổi từ môi trường hoạt động tích cực sang môi trường nghỉ ngơi hoàn toàn. Với thời gian rảnh rỗi nhiều trong khi sức khỏe ngày càng kém đi khiến họ rơi vào trạng thái tâm lý cô lập với thế giới xung quanh, đòi hỏi cần có nhu cầu giao tiếp (Nguyễn Thị Phương Lan, 2000). Bởi vậy, nhiều người cao tuổi tích cực tham gia vào công việc của họ hàng, dòng họ.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy, có đến 21,4% con, cháu thường xuyên chia sẻ, tâm sự với người cao tuổi về các công việc của họ hàng, dòng họ, làng xóm và 22,3% thường xuyên chia sẻ về vấn đề ma chay, hiếu hỉ, ốm đau, bệnh tật. Như vậy, người cao tuổi luôn có sự tương tác với họ hàng, dòng họ thông qua con cháu của mình.
Người cao tuổi thường được con cháu trong họ tộc kính trọng vì lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm. Bởi vậy, trong công việc chung của dòng họ, chẳng hạn giỗ tổ, nếu không giữ vai trò trưởng họ, người cao tuổi nam vẫn được lựa chọn làm bồi tế, hỗ trợ người trưởng họ thực hiện các nghi lễ. Trong các công việc đại sự của gia đình, dòng họ, người cao tuổi, trưởng họ thường được “ngồi ở hàng ghế trên”, được tôn kính, nể trọng, được quyền đưa ra quyết định sau cùng, quyết định của họ nhiều khi trở thành quyết định của cả tập thể. Bởi vậy, không chỉ riêng đối với người cao tuổi, mà trong nhiều hoạt động như: xây cất mồ mả, tu sửa từ đường, ma chay, hiếu hỉ, hội làng, họp họ, khuyến học, khuyến tài… đều có sự tham gia tích cực của người cao tuổi.
Qua đó có thể thấy rằng, người cao tuổi vẫn giữ vai trò quan trọng trong công việc của họ hàng, dòng họ. Họ hàng chính là mối quan hệ quan trọng bên ngoài gia đình của người cao tuổi.