Nhiều người cao tuổi thông thường đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc. Một số đã từng cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, cống hiến tuổi xuân và sức trẻ cho Tổ quốc. Trong một số nghiên cứu có 25% người cao tuổi là Hội viên Hội cựu chiến binh. Cuộc sống của họ gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc, được tôi luyện qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Vì vậy, họ luôn có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, định hướng, động viên tuổi trẻ phấn đấu, rèn luyện để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đến đông đảo tầng lớp nhân dân để cộng đồng hiểu rõ quan điểm, đường lối lãnh đạo của đất nước, tránh các thế lực thù địch tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Người cao tuổi cũng là những người tích cực tham gia vào công tác xã hội như công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, tổ hòa giải, thanh tra, an ninh, xây dựng nông thôn mới… Ngoài Hội Cựu chiến binh, nhiều người cao tuổi tham gia một lúc vào nhiều tổ chức khác nhau. Trên địa bàn xã cũng có nhiều đoàn thể do chính người cao tuổi sáng lập như: Hội thơ, Hội chèo, Hội thể dục dưỡng sinh, Xóm văn nghệ, Hội các bà đi chùa… Đây được coi là nơi tuyên truyền tốt nhất chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Các tổ chức xã hội đều đánh giá là tích cực vận động hội viên tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hoạt động như: vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, ủng hộ đất của gia đình để xây dựng giao thông nông thôn… Ngoài ra, người cao tuổi cũng thường xuyên vận động con cháu trong gia đình và nhân dân địa phương tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Không chỉ tiếp thu, làm giàu thêm vốn sống, sự hiểu biết của bản thân, mà người cao tuổi còn tích cực chia sẻ nguồn thông tin đó đến mọi người xung quanh. Trong một nghiên cứu tại xã Chương Dương, huyện Thương Tín, Hà Nội, trong số 172 người cao tuổi được tiếp cận chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì có đến 46,1% thường xuyên chia sẻ, 41,7% chia sẻ một số thông tin và chỉ có 8,3% không chia sẻ thông tin. Trong số những người cao tuổi có chia sẻ thông tin thì hình thức chia sẻ thông báo lại nội dung đã nghe được (36,7%), bình luận về nội dung chính sách (32,9%). Ngoài ra, người cao tuổi còn giảng giải, giải thích để mọi người hiểu rõ (16,5%), tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện theo chủ trương, chính sách (13,9%). Qua đó có thể thấy rằng, người cao tuổi giữ vai trò quan trọng trong việc đóng góp ý kiến, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương trên địa bàn mình sinh sống.