Do đặc thù tuổi tác và công việc, người cao tuổi có nhiều thời gian rảnh rỗi, đặc biệt là nhóm mới bước vào độ tuổi người cao tuổi, còn sức khỏe, sự minh mẫn nên họ tham gia rất tích cực vào nhiều đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội khác nhau. Nghiên cứu cho thấy các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội mà người cao tuổi chủ yếu tham gia là Hội Người cao tuổi (178 người cao tuổi), Hội thể dục dưỡng sinh (79 người cao tuổi), Hội hưu trí (50 người cao tuổi), Hội Cựu chiến binh (45 người cao tuổi) và nhiều tổ chức đoàn thể khác.
Không chỉ là thành viên của một tổ chức đoàn thể, nhiều người cao tuổi còn là thành viên của nhiều tổ chức khác nhau, cả chính thức và phi chính thức. Nhiều người cao tuổi lý giải lý do khi tham gia vào các tổ chức đoàn thể là:
Con cháu đi làm, đi học hết, ở nhà một mình cũng chán. Tham gia vào mấy tổ chức đoàn thể được sinh hoạt với những người cùng lứa tuổi, nói chuyện, tâm sự cái gì cũng dễ, khiến cho tâm trạng vui vẻ hơn. Con cháu khác thế hệ với mình, nói nó không hiểu được, chạm trán nhau nhiều, có khi còn xảy ra cãi nhau ý chứ. Tham gia mấy tổ chức đoàn thể cho vui tuổi già. Ngày đi làm về, tối lên chùa nghe giảng đạo cũng thấy tâm mình thanh thản hơn. (Nam, 82 tuổi, sống chung với vợ chồng con trai út và cháu, con gái lấy chồng xa).
Như vậy, người cao tuổi tham gia vào các tổ chức đoàn thể để tìm sự đồng cảm, khiến tâm trạng vui vẻ hơn. Một số người cao tuổi sợ mâu thuẫn quan điểm, lối sống với thế hệ trẻ nên khi tham gia vào công việc cộng đồng giúp họ giảm bớt xung đột trong gia đình.
Ở nhà mãi cũng chán, thỉnh thoảng họp hành để thay đổi không khí. Gì chứ tham gia vào các tổ chức đoàn thể được lợi nhiều lắm. Ốm đau, hiếu hỉ, ma chay gì cũng được quan tâm. Lâu lâu họ lại tổ chức các buổi đi chơi, các cụ cũng thấy vui, tâm hồn trẻ ra. Nhiều buổi sinh hoạt cũng tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Nhà nước. Ông, bà còn tham gia hẳn mấy tổ chức một lúc chứ chẳng riêng một tổ chức nào (Nữ, 47 tuổi, gia đình ba thế hệ).
Có thể thấy mục đích người cao tuổi tham gia vào các tổ chức đoàn thể, còn là vì đây là tổ chức mở, ở đó các quyền lợi của họ được đảm bảo và có điều kiện phát huy.
Khi có hội làng, hội chùa, người cao tuổi họp lại với nhau, phân công công việc từng người tùy theo khả năng của từng cụ. Nhiều cụ tuổi cao, sức yếu, các cụ khác nói cụ không cần làm gì, chỉ cần tham gia cùng là vui rồi, nhưng cụ không chịu, vẫn cứ động tay động chân vào mấy việc lặt vặt. Gì chứ chúng tôi già rồi nhưng trong các dịp hội hè, lúc nào cũng đến sớm nhất, thanh niên còn chẳng thấy đâu. Rồi khi đóng góp ý kiến lúc nào cũng là người cao tuổi ý kiến đầu tiên, xông pha đầu tiên. Mấy người trẻ toàn đùn đẩy trách nhiệm, có ai chịu ý kiến gì đâu. (Nam, 82 tuổi, Hội trưởng Hội người cao tuổi xã).
Chính nhờ các hoạt động như vậy mà người cao tuổi được nói lên tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình, được tham gia vào hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước. Qua đó có thể thấy, người cao tuổi rất nhiệt tình trong các công tác đoàn thể. Điều này còn góp phần làm giảm tình trạng lạc hậu về thời cuộc và cô đơn trong cuộc sống của người cao tuổi.