Từ xa xưa, cha ông ta đã đúc kết, khái quát vai trò của người chồng và người vợ trong gia đình qua câu tục ngữ “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu nói đơn giản, dễ hiểu nhưng đã thể hiện thiên chức, vai trò của mỗi người trong gia đình. Trải qua bao nhiêu biến động của thời gian, lịch sử xã hội, dù đã có nhiều biến đổi nhưng những giá trị cốt lõi của vai trò người đàn ông trong gia đình vẫn còn nguyên giá trị.
Trước đây, hình mẫu chung của các gia đình là chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ, chăm con… Vì vậy, người chồng trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Mà lẽ thường thì “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nên người đàn ông được coi là người chủ gia đình. Sau khi tan sở về nhà là họ “ rung đùi”, “nằm khểnh”, “xem tivi”… phó mặc mọi việc nhà cho vợ. Những hôm nào vợ đau ốm hay có việc gì bận là coi như hôm đó bếp núc lạnh tanh, cửa nhà bừa bộn, con cái lem luốc
Vai trò của người đàn ông trong xã hội xưa với tư tưởng nho giáo phong kiến, trọng nam:
– Người đàn ông là người chủ trong gia đình, quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Về cơ bản thì người đàn ông phải lo việc kiếm sống, duy trì cuộc sống gia đình. Tuy nhiên đôi khi người phụ nữ phải làm cả những việc nặng nhọc, lo cuộc sống, phụng dưỡng cha mẹ, dạy bảo con cái.
– Người đàn ông trong xã hội xưa trọng khoa cử, vinh quang danh vọng của dòng tộc, gia đình đều phụ thuộc vào người đàn ông.
– Người phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình, phụ thuộc hoàn toàn và chịu sự sắp đặt của cha mẹ, chồng và con trai. Do đó việc không có con trai nối dõi tông đường là bất hiếu lớn nhất.
Ở thời đại trước, đàn ông chỉ đơn giản là “người xây nhà”. Song, trong xã hội ngày nay, việc “xây nhà” không chỉ của riêng người đàn ông, mà còn có sự chung tay góp sức của người phụ nữ. Để chống phân biệt, chống bất bình đẳng giới, phụ nữ được tham gia nhiều các hoạt động trong xã hội. Cũng từ đó, vị thế và trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình hiện đại đã có sự thay đổi theo hướng tiến bộ, tích cực hơn trong tham gia các việc nhà để chia sẻ, giúp đỡ phụ nữ trong gia đình. Đây chính là sự thay đổi thể hiện vai trò của nam giới trong xây dựng hạnh phúc gia đình./.
Vụ Gia đình