Từ xa xưa, cha ông ta đã đúc kết, khái quát vai trò của người chồng và người vợ trong gia đình qua câu tục ngữ “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu nói đơn giản, dễ hiểu nhưng đã thể hiện thiên chức, vai trò của mỗi người trong gia đình. Trải qua bao nhiêu biến động của thời gian, lịch sử xã hội, dù đã có nhiều biến đổi nhưng những giá trị cốt lõi của vai trò người đàn ông trong gia đình vẫn còn nguyên giá trị.
Trước đây, hình mẫu chung của các gia đình là chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ, chăm con… Vì vậy, người chồng trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Mà lẽ thường thì “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nên người đàn ông được coi là người chủ gia đình. Sau khi tan sở về nhà là họ “ rung đùi”, “nằm khểnh”, “xem tivi”… phó mặc mọi việc nhà cho vợ. Những hôm nào vợ đau ốm hay có việc gì bận là coi như hôm đó bếp núc lạnh tanh, cửa nhà bừa bộn, con cái lem luốc.
Vai trò của người đàn ông trong xã hội xưa với tư tưởng nho giáo phong kiến, trọng nam: Người đàn ông là người chủ trong gia đình, quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Về cơ bản thì người đàn ông phải lo việc kiếm sống, duy trì cuộc sống gia đình. Tuy nhiên đôi khi người phụ nữ phải làm cả những việc nặng nhọc, lo cuộc sống, phụng dưỡng cha mẹ, dạy bảo con cái. Người đàn ông trong xã hội xưa trọng khoa cử, vinh quang danh vọng của dòng tộc, gia đình đều phụ thuộc vào người đàn ông. Người phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình, phụ thuộc hoàn toàn và chịu sự sắp đặt của cha mẹ, chồng và con trai. Do đó việc không có con trai nối dõi tông đường là bất hiếu lớn nhất.
Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình có thể thấy là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình. Hành vi người chồng gây ra chủ yếu và lớn nhất là bạo lực về thể chất, đây là dạng dễ nhận thấy và bị lên án mạnh mẽ nhất. Sỡ dĩ đa phần người đàn ông sử dụng “nắm đấm” để dạy vợ là do họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi bạo lực của người chồng đều là bạo lực về thể chất mà có những lúc, họ dùng tới nhiều cách khác để gây ra những tổn thương về tâm lý cho người vợ: mắng mỏ, chửi bới, xúc phạm danh dự; hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh tế. Nhưng trong xã hội ngày nay, hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng cũng không phải là hiếm. Không chỉ dừng lại ở những lời lẽ chửi bới, những cách ứng xử thô bạo mà họ còn trực tiếp gây ra những tổn thương về thể chất hoặc tính mạng của người chồng.
Từ “Bạo lực đối với Phụ nữ”’ đến “Bạo lực dựa trên cơ sở Giới”
Bạo lực giới là một hiện tượng phổ biến và phức tạp, thể hiện dưới nhiều hình thức, từ bạo lực gia đình đến quấy rối tình dục. Mặc dù bạo lực giới bao gồm cả bạo lực gia đình nhưng bạo lực giới không chỉ giới hạn ở bạo lực gia đình hay bạo lực đối với phụ nữ mà là mọi hình thức bạo lực nhằm vào một cá nhân vì giới của người đó và xuất phát từ sự bất bình đẳng giới. Bạo lực giới duy trì sự bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ và là động lực duy trì, tăng cường các vai trò giới truyền thống. Do các hệ thống xã hội mang tính phụ hệ vẫn chiếm ưu thế trên toàn thế giới làm hạ thấp tiếng nói của phụ nữ trong gia đình, trong các môi trường kinh tế, chính sách và công cộng khác, nên phụ nữ và trẻ em gái thường là nạn nhân của bạo lực giới.
Như vậy, có thể thấy nguyên nhân của nhiều vụ bạo lực gia đình xuất phát từ định kiến giới, từ thói quen, suy nghĩ của người nam giới trong gia đình. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, rất cần có sự vào cuộc của phái mạnh. Thay đổi nhận thức của những người đàn ông trong gia đình, sự cam kết của nam giới trong việc tham gia chấm dứt nạn bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Ở thời đại trước, đàn ông chỉ đơn giản là “người xây nhà”. Song, trong xã hội ngày nay, việc “xây nhà” không chỉ của riêng người đàn ông, mà còn có sự chung tay góp sức của người phụ nữ. Để chống phân biệt, chống bất bình đẳng giới, phụ nữ được tham gia nhiều các hoạt động trong xã hội. Cũng từ đó, vị thế và trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình hiện đại đã có sự thay đổi theo hướng tiến bộ, tích cực hơn trong tham gia các việc nhà để chia sẻ, giúp đỡ phụ nữ trong gia đình. Đây chính là sự thay đổi thể hiện vai trò của nam giới trong phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng hạnh phúc gia đình.