Phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình, ngoài xã hội, vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Vấn đề phụ nữ và gia đình luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng, nhấn mạnh rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng các nhiệm kỳ.
Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác Hội và phong trào phụ nữ. Do đó, những năm qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn quan tâm triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tập trung nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình hạnh phúc thông qua các hoạt động truyền thông, các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, an toàn cho phụ nữ và trẻ em gắn với việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”…
Đặc biệt là triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn” được cụ thể hóa bổ sung tiêu chí “3 an toàn” (an toàn trong lao động sản xuất, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm) với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã tác động mạnh mẽ trong việc hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Đến nay trên 60% hộ gia đình đạt tiêu chí 5 không, 35% hộ gia đình đạt tiêu chí 3 sạch, 3 an toàn; trên 700 hộ gia đình tiêu biểu được lựa chọn gắn biển. Nhận thức của hội viên phụ nữ về ăn sạch, ở sạch được nâng lên; ý thức, trách nhiệm của bản thân và người thân trong gia đình trong việc chấp hành pháp luật, tham gia xây dựng cảnh quan môi trường sống xanh, sạch có chuyển biến rõ rệt. Điểm nhấn nổi bật của Hội là triển khai hiệu quả và nhân rộng được 118 Mô hình Thôn “xanh – sạch – đẹp” đã khẳng định sự đóng góp hiệu quả và thiết thực của phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện các Đề án của Chính phủ về “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2010-2015, “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”: được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, đồng thời bố trí nguồn kinh phí triển khai là điều kiện thuận lợi, quyết định đến hiệu quả của các Đề án. Các hoạt động truyền thông được đa dạng hóa, tập trung đối tượng cụ thể cùng với lựa nội dung tuyên truyền phù hợp như: kiến thức về nuôi dạy con theo khoa học, giáo dục trẻ vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống, giới tính cho trẻ, giáo dục trẻ phòng ngừa tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, nhất là chủ đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em; kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình…;
Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, dân tộc, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với ngành Công an thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 về quản lý giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội góp phần giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; với Ban dân tộc tỉnh trong triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” kết quả thống kê sau 5 năm thực hiện có tổng số cặp kết hôn là 31.922 cặp, trong đó có 750 cặp tảo hôn, chiếm 2,35% so với tổng số cặp kết hôn trên địa bàn tỉnh (621 cặp kết hôn tảo hôn vợ hoặc chồng; 129 cặp kết hôn tảo hôn cả vợ và chồng) đã giảm so với giai đoạn trước; số cặp kết hôn cận huyết thống 03 cặp (01 cặp Dân tộc Kinh tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng; 01 cặp Dân tộc Tày tại xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình và 01 cặp Dân tộc Dao tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình) (tăng 01 cặp so với giai đoạn 2010 – 2015).
Để bảo đảm và nâng cao tiềm năng vật chất và tinh thần của gia đình, Hội đã quan tâm triển khai nhiệm vụ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt chương trình ủy thác với Ngân hành CSXH, dựn án vay vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, vận động hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động tiết kiệm, tương trợ… nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế. Tổ chức triển khai nhiều chương trình, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội chung cho cộng đồng làm cơ sở cho việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm ổn định cho các gia đình, từng bước nâng cao mức sống gia đình, như: phối hợp dạy nghề, phổ biến, hướng dẫn về quy trình sản xuất; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng nhiều mô hình thuộc các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tham gia sản phẩm OCOP; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phụ nữ tăng cường tiếp cận với các chính sách ưu đãi cho các mô hình kinh tế hộ về trồng các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao như : chè Ô Long, Hoa hồi, cây Thạch Đen và các loại cây ăn quả như: Na Chi Lăng, Quýt Bắc Sơn, Hồng Bảo Lâm…
Phối hợp đẩy mạnh thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, nhằm bảo đảm cho các gia đình được trợ giúp, nhận hỗ trợ để ổn định cuộc sống góp phần đem lại hạnh phúc, ấm no cho mỗi gia đình. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” cùng cấp tổ chức vận động ủng hộ được số tiền trên 6 tỷ đồng trao tặng trên 6 nghìn xuất học bổng, tặng quà, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo các cấp học, hỗ trợ trang bị bộ đồ dùng cho phòng ở, bếp ăn bán trú một số trường học vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng phòng học, phòng ở và bếp ăn bán trú học sinh, phòng học Mầm non. Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, Hội Phụ nữ các cấp tích cực hưởng ứng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, vận động ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương” được số tiền 3.336.294.000đ hỗ trợ xây mới 220 nhà, sửa 60 nhà cho hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn do bị hỏa hạn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ trên 6,2 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế, xây nhà mái ấm biên cương, nhà vệ sinh cho hội viên nghèo 21 xã biên giới, giúp trên 1 nghìn phụ nữ nghèo thoát nghèo…góp phần thiết thực vào kết quả chương trình giảm nghèo của tỉnh.
Các cấp Hội phụ nữ của tỉnh đóng vai trò quan trọng, tích cực triển khai thực hiện đạt hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần nâng cao tỷ lệ gia đình văn hóa. Với mục đích tạo nơi sinh hoạt lành mạnh, thu hút được nhiều đối tượng thành viên gia đình cùng tham gia, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho các thành viên, Hội đã vừa chủ trì, phối hợp xây dựng, duy trì trên 500 mô hình “CLB Gia đình hạnh phúc”, ” 5 không, 3 sạch, 3 an toàn”; “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc phát triển toàn diện trẻ thơ”, tổ/nhóm, chi hội phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, “Giới và phòng chống bạo lực gia đình”, “Không sinh con thứ 3”, “Không bạo lực gia đình”… nhằm cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, những vấn đề liên quan đến gia đình, từng bước nâng cao năng lực cho gia đình, giúp gia đình có được kỹ năng, kiến thức cần thiết, chủ động thích ứng với những thách thức và thay đổi của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xuất phát từ nhu cầu xã hội, hỗ trợ phụ nữ nâng cao thu nhập, chăm lo gia đình, Hội cơ sở đã hướng dẫn, tư vấn thành lập 154 mô hình dịch vụ như nấu cỗ, giúp việc tại gia đình, giặt là, trông giữ trẻ. Hằng năm, lựa chọn tổ chức các hoạt động gặp mặt, biểu dương, khen thưởng các gia đình điển hình, tiêu biểu cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhân ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức chung về đời sống gia đình; những điều cần thiết chuẩn bị cho hôn nhân và gia đình, giáo dục đời sống gia đình.
Tham gia tích cực trong phát triển các hình thức tổ hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc giữ gìn đoàn kết, giảm thiểu đơn thư khiếu nại vượt cấp. Việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được kế thừa gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.