Tại Thông báo số 485/CV-VPTW ngày 31/5/1995 của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư đối với Quy chế hành nghề tư vấn pháp luật đã đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp: “xác định phạm vi thích hợp hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân, trước hết chú trọng tổ chức tư vấn pháp luật của nhà nước…; cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật”. Trong thư ngày 20/12/1995 gửi cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười một lần nữa nhấn mạnh: “Nhà nước phải nghiên cứu sớm thành lập một hệ thống các tổ chức tư vấn pháp luật không mất tiền dành cho người nghèo, các gia đình thuộc diện chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số”. Những chỉ đạo này đã định hướng đổi mới tư duy về công tác cung ứng dịch vụ pháp lý, đặt dấu mốc cho quá trình chuyển biến sâu sắc và toàn diện trong nhận thức, tạo tiền đề về mặt chính trị – pháp lý cho sự ra đời và phát triển của công tác TGPL trong giai đoạn tiếp theo.
Tại kỳ họp lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ngày 18/6/1997, lần đầu tiên trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo định hướng triển khai công tác TGPL theo hướng: “Tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí”. Đây là cơ sở chính trị – pháp lý quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận pháp luật của người nghèo và nhóm yếu thế.
Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật TGPL năm 2017 (100% đại biểu có mặt tán thành) với mục tiêu trọng tâm là nâng cao chất lượng TGPL, sử dụng nguồn lực có hiệu quả và lấy người được TGPL làm trung tâm. Sự ra đời của Luật TGPL năm 2017, một lần nữa khẳng định Đảng và Nhà nước tiếp tục ghi nhận vị trí, vai trò của công tác TGPL, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL là người nghèo và nhóm yếu thế tại Việt Nam. TGPL đã được khẳng định là một chính sách “giảm nghèo về pháp luật” trong tổng thể các chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam hiện nay có hai loại hình tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, đó là: Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý của nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Theo đó, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý của nhà nước: 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và 178 Chi nhánh ở cấp huyện; 336 các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (Tổ chức hành nghề luật sư: 284, Trung tâm tư vấn pháp luật: 52).
Bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nói chung và phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của tội phạm buôn bán người nói riêng là vấn đề được quan tâm thực hiện ngay từ khi tổ chức trợ giúp pháp lý được thành lập và đi vào hoạt động đến nay. Trên cơ sở các điều ước quốc tế và các văn bản pháp luật của Việt Nam, Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý; trong đó có các hoạt động trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng đặc thù là phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán, bị bạo lực gia đình.
Tính riêng trong năm 2016, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý cho 600 nạn nhân của bạo lực gia đình.
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Nhìn chung, việc thực hiện trợ giúp pháp lý đã giúp người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bạo lực gia đình bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Qua công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý hàng năm cho thấy, phần lớn các vụ việc trợ giúp pháp lý đều đạt chất lượng tốt theo quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt, các vụ việc tham gia tố tụng đều được các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phân công các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý nạn nhân thực hiện. Qua công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho thấy đến nay hầu hết các vụ việc đều không có yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để tư vấn, bảo vệ cho nạn nhân trong các vụ việc tham gia tố tụng nhằm bảo đảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc bạo lực gia đình đã kịp thời cung cấp địa chỉ, thông tin về sự hỗ trợ cần thiết từ các cơ quan liên quan, bao gồm cơ quan công an, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể và các dịch vụ hỗ trợ khác như y tế, sức khỏe, kinh tế, tư vấn và các dịch vụ xã hội khác cho người được trợ giúp pháp lý khi cần thiết. Điển hình như Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan đến người được trợ giúp pháp lý là phụ nữ, trẻ em gái trên báo chí để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ; có sự nắm bắt và trợ giúp pháp lý kịp thời cho các vụ việc có tính nổi cộm, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận quần chúng nhân dân như vụ em bé 7 tuổi bị người yêu của dì ruột hiếp dâm… Qua hoạt động trợ giúp pháp lý, các nạn nhân đã được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình và hài lòng với dịch vụ pháp lý do Trung tâm trợ giúp pháp lý cung cấp.