Nói về vai trò của gia đình trong việc phòng chống xâm hại trẻ em có thể khẳng định rằng gia đình có vai trò hạt nhân trong công tác này. Sự thờ ơ, thiếu quan tâm của gia đình, nhiều bậc phụ huynh hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ rơi vào nguy cơ bị xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục nói riêng hoặc vi phạm pháp luật về xâm hại tình dục trẻ em. Vì vậy, để phòng chống xâm hại trẻ em thì gia đình, các bậc phụ huynh phải là “lá chắn” đầu tiên trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Bên cạnh đó, đối với cha mẹ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề nhận thức và phong tục tập quán cũng rất đáng lưu ý. Do đồng bào có quan niệm khá đơn giản về hôn nhân và tình dục nên với họ, quan trọng là “ưng cái bụng” chứ không quan tâm đến độ tuổi của đối tượng. Vì thế, không ít người đã phải trả giá cho sự thiếu hiểu biết mình. Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã xét xử lưu động trước đông đảo nhân dân vụ bị cáo Giàng A Mùa (sinh năm 1990) vì hành vi giao cấu với trẻ em. Khi bị tuyên phạt 36 tháng tù giam, Mùa vẫn ngây ngô cho rằng “bạn gái thuận tình quan hệ thì sẽ chẳng vấn đề gì”. Còn nạn nhân mới 14 tuổi thì trả lời đơn giản: “Mình ưng cái bụng nó nên mình trao hết cho nó thôi”.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bi cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Vì trẻ em hiện nay dậy thì sớm và yêu sớm. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con, phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con. Cha mẹ luôn cố lắng nghe con nói, hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi, trẻ em càng nhỏ càng khó giải thích nỗi đau. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác.