Giai đoạn trẻ từ 9-16 tuổi được xem là giai đoạn chuyển tiếp của sự tăng trưởng và phát triển từ cuối trẻ em đến bắt đầu tuổi trưởng thành. Đây được coi là giai đoạn vị thành niên sớm, với nhiều thay đổi về thể chất, cảm xúc và xã hội, rất cần sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ trên mọi lĩnh vực, trong đó cần đặc biệt chú ý đến giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp.
Kết quả nghiên cứu 19 chương trình giáo dục giới tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy giáo dục giới tính, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho trẻ ở giai đoạn này là rất cần thiết nhằm giúp trẻ hiểu rõ về cơ thể, biết cách sử dụng các biện pháp ngừa thai một cách hiệu quả. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Tố Quyên (Giáo dục giới tính cho trẻ em trong gia đình) chỉ ra tính cần thiết cũng như mức độ hiểu biết về giới tính của các bậc cha mẹ, cần nghiêm túc, tế nhị trong giảng dạy về giới tính cho con trẻ, không bỏ mặc trẻ trong những vấn đề nhạy cảm như giáo dục giới tính. Các nhà nghiên cứu tình dục đều thống nhất trong sự phát triển của tình dục, môi trường gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng. Cha mẹ cần quan sát quãng thời gian nào đứa trẻ của mình hình thành ý thức về giới tính để tiến hành giáo dục. Giáo dục giới tính tốt nhất là từ cha mẹ.
Giai đoạn này trẻ cũng cần được cha mẹ quan tâm, chia sẻ kịp thời những lo lắng, vượt qua được những cảm xúc, căng thẳng về giới tính. Các nghiên cứu đã chỉ ra gắn kết gia đình, đặc biệt giữa cha mẹ và con cái giúp trẻ cải thiện đời sống tinh thần. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học cho thấy sự gắn kết gia đình đem lại cho trẻ vị thành niên sự tin tưởng, cảm giác an toàn và hạnh phúc. Sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái giúp giảm nguy cơ trẻ vị thành niên có những hành vi lệch chuẩn ở trường học. Vai trò của cha mẹ trong việc quan tâm, chia sẻ có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành tâm lý của trẻ. Trên thực tế trẻ gặp phải vấn đề tâm lý, thậm chí có ý định tự tử trong giai đoạn tuổi vị thành niên là rất đáng lưu ý. Theo kết quả y tế trường học giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT công bố, số học sinh có ý định tự tử ngày càng tăng cao, cứ 5 em học sinh lại có một em có ý định tự tử . Cha mẹ cần có kiến thức, hiểu biết về đặc điểm, biến đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, biết cách tác động phù hợp với đặc điểm tâm lý ở từng lứa tuổi.
Nghiên cứu về vai trò của cha mẹ trong việc định hướng nghề nghiệp đối với con cái trong độ tuổi trung học phổ thông đã nhấn mạnh cha mẹ cần đóng vai trò chính trong định hướng nghề nghiệp cho trẻ. Các bậc cha mẹ cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của mình trong gia đình, tầm quan trọng của việc chăm sóc và giáo dục con cái để từ đó có những quyết định hợp lý khi tham gia vào việc định hướng bậc học và nghề nghiệp cho con cái. Cha mẹ không nên áp dụng một cách cứng nhắc, áp đặt, ép buộc mà phải dựa vào khả năng của con để hướng dẫn, định hướng cho con một cách hợp lý nhất. Hơn ai hết cha mẹ là người hiểu rõ nhất tính cách, khả năng của con và hoàn cảnh gia đình, có thể giúp con định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.