Bạo lực gia đình là một vấn đề xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong mọi nền văn hóa và mọi tầng lớp xã hội. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Theo kết quả của Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ do Tổng cục thống kê tiến hành năm 2010, 34% phụ nữ đã kết hôn đã từng bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục trong đời, 58% phụ nữ đã kết hôn đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục hoặc tinh thần trong đời bởi chính người chồng của mình. Tuy nhiên, 50% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình không nói với bất kỳ ai và 87% không tìm kiếm sự trợ giúp của bất kỳ dịch vụ nào (Tổng cục thống kê, 2010). Chỉ có 43% số vụ bạo lực gia đình đã tiết lộ được trình báo công an, cơ quan chính quyền và chỉ có 12% trong số đó bị cáo buộc hình sự, và 1% trong số này bị kết án.
Trong những năm qua, Công an các địa phương đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại cơ sở đạt được những kết quả cao như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, xây dựng và thực hiện các Nghị quyết, Thông tư được chú trọng và triển khai sâu rộng ở mỗi đơn vị Công an địa phương; công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT thu được nhiều kết quả quan trọng; công tác xây dựng lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở được các cấp, các ngành chú trọng hơn trước; nhiệm vụ giữ vững ANTT trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo, tổ chức thực hiện gắn với xây dựng lực lượng Công an xã; công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và công tác dân vận của lực lượng Công an tiếp tục được nâng cao về chất lượng, hiệu quả; công tác tuyên truyền, thi đua khen thưởng được thực hiện sâu rộng đã phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ ANTT, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc phát huy vai trò và trách nhiệm của công an xã trong công tác phòng, chống bạo lực sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn đầu, giải quyết vụ việc ngay tại cơ sở, đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng trong việc hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
Trong giai đoạn 2009-2019, tổng số vụ BLGĐ các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 297.498 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 20.108 vụ trong năm 2015 và chỉ còn 8.176 vụ trong năm 2019. Từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018 Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn. Báo cáo của ngành Tư pháp cho thấy năm 2014 tiếp nhận hòa giải 31.528 vụ việc BLGĐ; năm 2015 là 33.966 vụ.
Giai đoạn 2009-2019, đã có 33.275 vụ BLGĐ mà người gây bạo lực được xử lý, trong đó biện pháp góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng chủ yếu (24.523 vụ, chiếm khoảng 73,6%); áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là 977 vụ, các biện pháp giáo dục là 5.532 vụ; tạm giữ xử phạt hành chính là 1.893 vụ và xử lý hình sự 350 vụ. Trong giai đoạn này, có 17.415 người gây bạo lực và 17.841 nạn nhân BLGĐ được tư vấn về các kiến thức, kỹ năng, hành vi PCBLGĐ
Trong hơn 10 năm qua, có khoảng 24.985 nạn nhân BLGĐ đến các cơ sở khám chữa bệnh, 16330 nạn nhân được các trợ giúp bởi các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và 2726 nạn nhân được các cơ sở bảo trợ xã hội trợ giúp. Bên cạnh đó, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng trên cả nước cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 34.263 nạn nhân bị BLGĐ.
Công tác xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về BLGĐ được quan tâm tổ chức thực hiện tại cộng đồng chủ yếu là góp ý, hòa giải, phê bình tại khu dân cư, phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền; khởi tố hình sự những vụ cố ý gây thương tích, hành hạ người khác, hủy hoại tài sản, giết người. Công tác phát hiện, tố giác, ngăn ngừa, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về BLGĐ chưa được thực hiện đồng bộ, chủ yếu do nạn nhân tố giác. Các biện pháp xử lý vi phạm về PCBLGĐ như góp ý, hòa giải, phê bình tại cộng đồng, xử phạt hành chính chưa đảm bảo tính răn đe.
Nhìn chung, các địa phương đã nghiêm túc chỉ đạo thực hiện các văn bản, chính sách về PCBLGĐ, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCBLGĐ; tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật ở các cấp; thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực PCBLGĐ; chú trọng triển khai Mô hình PCBLGĐ và Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; phát hiện và xử lý hành chính, hình sự một số trường hợp gây BLGĐ. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình không thể thiếu đội ngũ công an tại cơ sở.
Hiện nay, tất cả công an xã đã được Bộ Công an tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, xử lý ngay các vụ việc tại địa bàn cơ sở.
Quy mô của xã chỉ bằng 1/5 của phường, nhưng thực tế có nhiều xã phức tạp hơn phường nhiều. Như những xã đang đô thị hóa, xã ven đô, xã vùng sâu, vùng xa, vùng phức tạp; có những xã đi trong xã không thôi cũng gần trăm cây số. Nếu không đưa công an chính quy về xã, người dân chưa bao giờ được hưởng thụ những vấn đề bảo đảm về an ninh, trật tự, những bức xúc của người dân không được giải quyết, mà lên huyện càng xa… Gần dân, sát dân của cấp xã là rất quan trọng.
Trung bình một năm, một công an xã chính quy tiếp nhận 0,84% tố giác, tin báo tội phạm; Công an phường, thị trấn tiếp nhận 1,3%…
Hiện nay, công an xã đã được tổ chức chính quy đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt trong công tác phòng, chống bạo lực sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được thông qua.