Giai đoạn trẻ từ 0-8 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất và phát triển mạnh mẽ trong cuộc đời của mỗi người, đặc biệt là giai đoạn 1000 ngày đầu đời. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy 3 năm đầu đời là “thời kỳ vàng”, là giai đoạn then chốt cho sự phát triển của trẻ. Trong giai đoạn này, nếu được chăm sóc, giáo dục tốt sẽ giúp trẻ phát triển các tiềm năng, tạo tiền đề cho trẻ phát triển và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong tương lai. Đặc biệt, đa số trẻ dưới 3 tuổi ở nhà với mẹ (nếu mẹ ở nhà nội trợ), hay ở với ông, bà hoặc gia đình thuê người chăm sóc trẻ tại nhà, chỉ một bộ phận trẻ từ 15 tháng trở lên được gửi ở các nhóm trẻ độc lập tư thục. Báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 5/2018, trẻ dưới 3 tuổi trên toàn quốc được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở GDMN là 916.090 bé, chỉ chiếm tỷ lệ 28,5%. Như vậy, trách nhiệm chính trong chăm sóc, giáo dục trẻ ở độ tuổi này thuộc về cha mẹ/người chăm sóc trẻ tại gia đình. Vì thế, kiến thức, thái độ và kỹ năng làm Cha, Mẹ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ dưới 3 tuổi.
Về chăm sóc sức khỏe, nhiều công trình nghiên cứu cho rằng, các yếu tố ngoại sinh đặc biệt là chăm sóc dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc dinh dưỡng từ bào thai, cho trẻ tiếp xúc da kề da ngay sau sinh, cho bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh, ăn bổ sung đầy đủ và đa dạng, đúng phương pháp…là rất cần thiết. Thực tế hiện nay Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng, với tình trạng thừa cân béo phì tại các thành phố lớn và tình trạng suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi toàn quốc vẫn còn khoảng 23,8%, nằm ở mức cao theo tiêu chuẩn đánh giá của WHO. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở trẻ em vẫn chưa được cải thiện, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu máu là 27,8%, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 13% và có tới 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm ở mức nặng (Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2015). Thực trạng này cho thấy cần tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ về chăm sóc dinh dưỡng cho con, đặc biệt cải thiện các vấn đề về phòng SDD thể thấp còi, thiếu vi chất.
Về hỗ trợ trẻ trong học tập, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cha mẹ giữ vai trò quyết định trong việc cung cấp và tạo điều kiện cung cấp những tri thức khoa học cũng như thực tiễn cho trẻ cả về số lượng và chất lượng. Khi trẻ bắt đầu đến trường, cha mẹ cùng giáo viên là người giúp trẻ tháo gỡ những vướng mắc và lĩnh hội dần những tri thức mới. Giai đoạn chuyển tiếp giữa mầm non với tiểu học là giai đoạn quan trọng nhất trong suốt quá trình học tập của mỗi người, trẻ chuyển từ môi trường vui chơi sang một môi trường mới, đòi hỏi tính kỷ luật cao hơn, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến đời sống tình cảm của con và giáo dục các phẩm chất nhân cách. Trong giai đoạn này trẻ được giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau, được tiếp cận với nhiều điều mới mẻ, vai trò định hướng giáo dục cho trẻ cần được thể hiện một cách hết sức tự nhiên, dần dần ngay trong cách ứng xử, cách giáo dục cũng như sự quan tâm chăm sóc hàng ngày của cha mẹ đối với con cái.
Về vấn đề bảo vệ trẻ, với đặc điểm dễ tò mò, khám phá khiến trẻ dễ gặp phải nguy cơ bị đuối nước, tai nạn…Cha mẹ cần chú ý, bảo vệ, hướng dẫn trẻ những kỹ năng cơ bản để phòng tránh tai nạn giao thông và đuối nước. Những vấn đề khác như bạo lực, xâm hại trẻ em cũng còn rất đáng báo động. Số liệu 63 tỉnh, thành phố năm 2018 cho thấy toàn quốc có gần 1.550 vụ xâm hại trẻ em, trong đó trên 80% số vụ là xâm hại tình dục. Đáng chú ý, 93% thủ phạm có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, trong đó 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người trong gia đình nạn nhân (https://news.zing.vn/con-so-dang-bao-dong-ve-xam-hai-tinh-duc-tre-em-tai-viet-nam-post728356.html). Trước những vấn nạn này, cha mẹ cần chủ động trao đổi với trẻ, hướng dẫn trẻ kỹ năng phòng, chống xâm hại. Việc này nên được thực hiện từ sớm và liên tục, khi trẻ khoảng 3 tuổi cho tới khi lớn. Những quy tắc như “quy tắc 5 ngón tay”, quy tắc “Talking PANTS” (Quy tắc Đồ Lót) là những gợi ý cha mẹ có thể sử dụng để hướng dẫn cho con. Với mỗi độ tuổi, cả phụ huynh và nhà trường cần có cách thức cũng như mức độ dạy sao cho phù hợp. Cha mẹ nên dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể, cách từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể khiến trẻ thấy khó chịu. Đây cũng chính là kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em căn bản nhất mà cha mẹ nên chỉ cho con. Trong chuỗi kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, việc cha mẹ sẽ là người đồng hành, tâm sự với con và cùng con tìm ra cách giải quyết tích cực nhất là điều đặc biệt quan trọng.
Cha mẹ cũng cần tạo điều kiện để trẻ được tham gia các hoạt động, vui chơi, giúp trẻ hình thành thói quen chủ động trong cuộc sống. Trẻ em cũng cần được cha mẹ hướng dẫn cách ứng xử, biết thương yêu mọi người trong gia đình và biết giúp đỡ cha mẹ tùy theo sức của mình. Các nghiên cứu cũng cho thấy cần để cho trẻ tự mình thực hiện những hành động tùy theo lứa tuổi, không nên làm thay cho trẻ những việc trẻ có thể tự làm được. Để cho trẻ chủ động tham gia các hoạt động sẽ giúp hình thành thói quen sống tích cực, trẻ sẽ học được những kỹ năng cần thiết như: “Kĩ năng sống giữa mọi người”, “Bản năng xã hội”, “Kĩ năng đồng cảm với mọi người”… Ngoài ra, kỹ năng quản lý tài chính là rất cần thiết, nghiên cứu của Đại học Cambridge cho thấy trẻ đã định hình thói quen sử dụng tiền khi trẻ lên 7 tuổi. Theo khảo sát của Prudential, 41% trẻ em châu Á có thói quen tiết kiệm, nhưng phần lớn các bé không hiểu lợi ích thực sự của hành động này mà chỉ tiết kiệm theo đề nghị của cha mẹ.
Để hỗ trợ trẻ phát triển tốt trong giai đoạn 0-8 tuổi, các bậc cha mẹ nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái, phải thường xuyên học tập để có kiến thức và phương pháp nuôi dạy trẻ, đồng thời phải luôn rèn luyện đạo đức, gương mẫu trong lối sống và luôn dành cho trẻ những tình cảm yêu thương trìu mến.