Phiên họp thứ 10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh tại Phiên họp “Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước”.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Anh, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật với các lý do đã được thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi dự án Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và Chỉ thị số 06 – CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo, trong quá trình sửa đổi dự án Luật, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình. Các vấn đề về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng miền, dân tộc cũng cần được quan tâm xem xét khi thiết kế các quy định để bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh. Dự án Luật đã sửa đổi phạm vi điều chỉnh để phù hợp với việc thực hiện công tác Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung để bảo đảm phạm vi điều chỉnh bao quát được hết các nội dung sửa đổi và được cụ thể hóa trong các điều luật.
Thường trực Uỷ ban Xã hội thấy rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều nội dung riêng tư trong mối quan hệ gia đình, được điều chỉnh bởi cả quy phạm đạo đức, tập quán, quy phạm pháp luật…Việc khắc phục tình trạng bạo lực gia đình lại đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ, cả về kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, pháp luật và phải mang tính toàn diện.
Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo với tinh thần cầu thị đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng dự án Luật. Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, nhất là đối với các nội dung được bổ sung, tiếp tục lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách; Đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các nội dung sửa đổi của dự án Luật với các quy định có liên quan trong các luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định Luật hiện hành, bảo đảm việc sửa đổi phải theo hướng tốt hơn đối với đối tượng thụ hưởng chính sách, tính khả thi và điều kiện về nguồn nhân lực, tài chính khi tổ chức thực hiện Luật.
Thảo luận về dự án Luật, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và tập trung cho ý kiến vào các nội dung: dự án Luật cần có sự thống nhất, đồng bộ với pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em và một số luật khác, Luật Bình đẳng giới; xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của các cơ quan trong phòng chống bạo lực gia đình.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành, toàn xã hội đối với vấn đề ngăn chặn bạo lực gia đình.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật. Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào dự án Luật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện vào dự án Luật này.