Trong xã hội Việt Nam, quyền công dân, lợi ích cá nhân chính đáng được Nhà nước và pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, mỗi người phải biết tôn trọng lợi ích của tập thể, của cộng đồng thì xã hội mới tồn tại được. Trong gia đình, nhu cầu, nguyện vọng của từng thành viên cần được tôn trọng, quan tâm nhưng mỗi cá nhân cũng cần tôn trọng lợi ích của các thành viên khác thì mới đảm bảo hạnh phúc chung và xây dựng được tổ ấm gia đình.
Yêu thương, quan tâm, chia sẻ và tôn trọng con
Kinh nghiệm của nhiều bậc cha mẹ cho thấy, con đường ngắn nhất đề giáo dục trẻ nên người là con đường tình cảm, là sự yêu thương, quan tâm, tôn trọng và chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Khi lớn lên, các em sẽ tự lập rất nhanh và sống có trách nhiệm, gắn bó với gia đình hơn.
Với những vấn đề quan trọng, thật sự cần uốn nắn, cha mẹ không nên dùng uy quyền mà cần dùng lý lẽ, tình cảm chân tình để giảng giải và thuyết phục con. Cha mẹ cần chú ý tiếp thu phần ý kiến hợp lý của con, tạo cho con một tâm lý bình đẳng, thân tình khi chia sẻ. Cha mẹ cũng cần làm cho con hiểu được những lo lắng, khó khăn của mình; làm rõ nguyên nhân vì sao chưa thể đáp ứng được yêu cầu, hoặc không thể đồng ý với đề nghị của con để chúng hiểu và thông cảm; tuyệt đối tránh mắng chửi, nhiếc móc, sỉ nhục con, đặc biệt là trước đông người. Trẻ vị thành niên có đủ tri thức để hiểu và tự khẳng định, chúng cũng có lòng tự trọng và tự ái cá nhân.
Cha mẹ là tấm gương cho các con
Trách nhiệm gương mẫu của cha mẹ là hết sức quan trọng để thuyết phục và giáo dục con noi theo. Cha mẹ cần dẹp tư tưởng hiếu thắng, chỉ muốn dành lấy lẽ phải về mình để giữ cái gọi là “uy tín” hay “danh dự cá nhân”. Thái độ của cha mẹ cần có đối với con là khoan dung, độ lượng, không chấp nhặt những sai sót lặt vặt trong sinh hoạt hàng ngày mà con dễ mắc phải; không phóng đại, suy diễn …
Giáo dục con cách ứng xử có văn hóa trong gia đình
Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ trong các gia đình hiện đại là phải quan tâm giáo dục con biết cách ứng xử có văn hóa trong gia đình. Cha mẹ không quá bao bọc, làm thay con từ việc lớn đến việc nhỏ, không nên lúc nào cũng sẵn sàng cung phụng những đòi hỏi của con mà phải có sự sắp xếp, phân công hợp lý mọi việc trong gia đình để mọi thành viên đều có trách nhiệm với gia đình của mình. Dù bận rộn trăm công nghìn việc cũng cố gắng sắp xếp thời gian đưa con về thăm ông bà, họ hàng để con nhận được sự bảo ban, dạy dỗ từ những người thân trong gia đình, tăng cường tình cảm gia đình, dòng họ.
Tập cho con biết lập thời gian biểu cho những công việc hằng ngày ngoài giờ học để trẻ rèn ý chí tự lập và thói quen, nề nếp trong sinh hoạt gia đình. Cha mẹ cũng cần dành một khoảng thời gian ngắn trong ngày để họp mặt gia đình, tạo cơ hội cho các thành viên tâm sự, trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong học tập, trong công việc để cùng chia sẻ, động viên nhau vượt qua những khó khăn, thắt chặt thêm tình cảm gia đình.