Theo đó, trong năm 2021 công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức nhằm bảo đảm thực hiện các biện pháp thúc đẩy phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể như:
Tổ chức thực hiện tuyên truyền gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành, tuyên truyền lồng ghép thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, gia đình, thể dục, thể thao, đặc biệt lồng ghép qua các hoạt động phong trào xây dựng đời sống văn hoá – xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và phòng, chống xâm hại trẻ em nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình… từ đó, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao nhận thức, hiểu biết về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuyên truyền văn bản, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình trên trang thông tin điện tử của Sở và Bản tin “Văn hóa và Thể thao”. Năm 2021, Bản tin “Văn hóa và Thể thao” phát hành 06 số, đã thường xuyên cập nhật, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em; phổ biến các kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Trang thông tin điện tử của Sở cũng thường xuyên cập nhật các tin tức, bài viết liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động của công tác gia đình do Sở tổ chức, nêu gương các hộ gia đình có thành tích trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Song song với việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên, trong từng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, hướng dẫn phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền phòng, chống dịch, tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực đến từng hộ gia đình qua nhiều hình thức như: Zalo, Facebook, phát trên loa phát thanh của xã, phường, thị trấn; treo panô, băng rôn… Qua đó, giúp người dân thay đổi hành vi, nhận thức, sống hòa thuận, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết. Nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả với nhiều hình thức như: Huyện Vân Canh tổ chức tuyên truyền lồng ghép qua các buổi chiếu phim lưu động tại các thôn, làng, khu phố về chuyên đề bình đẳng giới, văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và phổ biến quy định pháp luật liên quan công tác Phong trào TDĐKXDĐSVH và công tác gia đình; Huyện Phù Cát đã tuyên truyền vận động thông qua các buổi họp thôn, khu phố; lồng ghép trong việc thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư; các thông điệp truyền thông về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được tuyên truyền trên các dọc đường chính, nơi đông dân cư; tuyên truyền trong các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, quan tâm xây dựng, lồng ghép việc thực hiện hương ước, quy ước với việc thực hiện các cuộc vận động khác như Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa… Nhiều hương ước, quy ước đã đưa các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở, chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa là những nội dung chính, đặc biệt một số địa phương đã đưa các nội dung về bảo vệ và phát triển sản xuất, chống các tệ nạn lạc hậu, mê tín dị đoan… Ở các thôn, khu phố còn lồng ghép quy chế dân chủ vào hương ước, quy ước như tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, thực hiện quy định đúng độ tuổi kết hôn, không được tảo hôn… Nhờ đó, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, giảm thiểu các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.