Qua thực tiễn triển khai, hoạt động trợ giúp pháp lý có quan hệ mật thiết với hoạt động PBGDPL. Ngoài công việc chính là trợ giúp, giải đáp, hướng dẫn về pháp luật đối với các vụ việc cụ thể tại địa phương, các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố còn làm tốt việc phối hợp với các đơn vị liên quan như Hội phụ nữ, Phòng Tư pháp cấp huyện, các trường học tổ chức các buổi trợ giúp lưu động để giải đáp, tuyên truyền phổ biến pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới cho nhiều người tham dự, phát tờ gấp pháp luật, sách hỏi – đáp về các lĩnh vực pháp luật mà người dân quan tâm trong đó có lĩnh vực pháp luật hôn nhân – gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình…
Hiện nay công tác hòa giải đã và đang trở thành một hình thức quan trọng và hiệu quả trong hoạt động PBGDPL. Tính đến ngày 20/02/2021, cả nước có 87.457 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 532.866 hòa giải viên, tỷ lệ hòa giải trên cả nước những năm gần đây đều đạt trên 80% không chỉ góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, nhân dân, mà còn trực tiếp góp phần củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; duy trì và phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; phát huy quyền làm chủ; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, ổn định xã hội để phục vụ phát triển đất nước. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên đã kịp thời ngăn chặn những hành vi “giận quá mất khôn”, “giận cá chém thớt” của các cá nhân trong xã hội. Đồng thời, qua quá trình hòa giải, hòa giải viên đã giúp cho các thành viên trong gia đình nhận thức rõ những quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, trẻ em, người cao tuổi… và trách nhiệm, hậu quả của hành vi bạo lực gia đình do mình gây ra. Từ đó giải tỏa vướng mắc, ngăn ngừa tội phạm; xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái trong gia đình, giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.