Ngày 02/11/2018, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) giai đoạn 2008 – 2018. ông Nguyễn Hải Anh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Trong 10 năm qua việc xây dựng và ban hành các văn bản nhằm mục đích tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả góp phần triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ từ tỉnh đến tận cơ sở và quần chúng nhân dân được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức và nội dung phong phú như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động bằng xe loa, tuyên truyền bằng pa nô, băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn, xe loa….
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hải Anh kết luận:
Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển xã hội; là cái nôi, là môi trường khởi đầu quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình và xã hội có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết và tác động qua lại sâu sắc. Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là nền tảng hết sức quan trọng để xây dựng xã hội phát triển, phấn đấu đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong 10 năm qua, việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo; các cấp, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội nghiêm túc triển khai thực hiện, đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Sự nỗ lực và vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng làm chuyển biến rõ rệt nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, là nhân tố quan trọng để Tuyên Quang đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện Luật vẫn còn một số tồn tại đó là: Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thể hiện sự quan tâm một cách đầy đủ về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về phòng chống bạo lực gia đình còn hạn chế, số vụ bạo lực gia đình giảm, nhưng vẫn còn những vụ bạo lực nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Công tác hòa giải đối với một số vụ việc (nhất là các trường hợp ly hôn) chưa đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ ly hôn, ly thân ngày càng tăng, nhất là những gia đình trẻ… Công tác thi đua, khen thưởng chưa được quan tâm, chú trọng, chưa phát hiện, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Để mỗi gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống bạo lực gia đình, trong thời gian tiếp theo các cấp, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội, Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi. Có các giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, góp phần giảm bạo lực gia đình.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các bộ luật có liên quan như Luật Bình đẳng giới, Luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Luật Người cao tuổi, các văn bản liên quan đến công tác gia đình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, các tổ chức trong tuyên truyền, đổi mới hình thức, phương thức và nội dung tuyên truyền, tập trung vào trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của từng thành viên trong gia đình với bản thân gia đình và cộng đồng, nhất là đối với người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp cần được kiện toàn, bổ sung thành viên cho phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Có kế hoạch công tác cụ thể và sát với yêu cầu của địa phương. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp cần được củng cố, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương thức hoạt động, trong đó cần phân tích, nhận định rõ những nguyên nhân, nguy cơ, những hình thái và hành vi mới của bạo lực gia đình, làm tốt công tác thống kê, thu thập thông tin, phân tích để đưa ra những giải pháp, mô hình và cách thức phòng, chống hiệu quả phù hợp với quy định của pháp luật và những điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng việc lồng ghép công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các cấp, ngành, nhất là các chương trình, đề án thực hiện 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, các đề án lớn của tỉnh; nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục – đào tạo, nhất là giáo dục đạo đức, lý tưởng, giáo dục công dân; làm tốt công tác chăm lo đời sống văn hóa – tinh thần cho nhân dân; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động lớn như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cuộc vận động và Chương trình, đề án của Trung ương, Chính phủ và của tỉnh.
Đổi mới công tác tổ chức các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình ở cơ sở; duy trì, nhân rộng các mô hình “Gia đình hai thế hệ tiêu biểu”, “Gia đình ba thế hệ tiêu biểu”, “Gia đình hiếu học”, xây dựng các câu lạc bộ về phòng chống bạo lực gia đình đảm bảo thiết thực, phù hợp với độ tuổi; nâng cao chất lượng các hoạt động hòa giải tại cơ sở, chú trọng xây dựng đội ngũ những người uy tín ở thôn bản và mời tham gia tổ hòa giải; phát hiện, xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình. Tăng cường kiểm tra, quản lý công tác gia đình trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phòng, chống bạo lực gia đình, lên án, phê phán những hành vi bạo lực gia đình