Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cấp cộng đồng nhằm từng bước giảm thiểu bạo lực, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Một số mô hình được triển khai đã góp phần giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình ở địa phương như:
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cấp cộng đồng nhằm từng bước giảm thiểu bạo lực, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở địa phương như:
Mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới: trong giai đoạn 2011-2015, thông qua Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ triển khai Mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại 63 xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hoạt động của Mô hình tập trung vào xây dựng và triển khai hoạt động của các Câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng Tổ phòng, chống bạo lực giới; xây dựng và triển khai hoạt động “địa chỉ tin cậy”, “nhà tạm lánh” ở cộng đồng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh những xã được lựa chọn thí điểm mô hình, nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng mô hình tại các xã, phường khác trên địa bàn.
Mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: từ năm 2017 đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ 08 đơn vị thực hiện mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới gồm: Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai 2 Ngôi nhà bình yên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, Ngôi nhà bình yên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về; Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hà Nam, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Hà Nội, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng, Trung tâm công tác xã hội thành phố Cần Thơ, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu.
Mô hình Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh ở cộng đồng: Thực hiện Quyết định số 1464/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương triển khai Mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng nhằm hỗ trợ bảo đảm an toàn, tạm lánh khẩn cấp, cung cấp dịch vụ hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị bạo lực. Thông qua Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020, trong năm 2017 và 2018, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ có mục tiêu cho 63 địa phương để triển khai Mô hình này. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện đánh giá hoạt động mô hình Ngôi nhà bình yên và địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình và làm căn cứ ban hành các tiêu chuẩn về nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
Mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài: trong giai đoạn từ 2011 đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã lựa chọn 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều phụ nữ kết hôn với người nước ngoài để hỗ trợ xây dựng và thực hiện Mô hình nhóm tư vấn cộng đồng ngăn ngừa và giảm thiểu hệ lụy của hôn nhân có yếu tố nước ngoài (do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn – UNHCR hỗ trợ từ năm 2011 – 2014) và nay là mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy có bị ép kết hôn với người nước ngoài (thuộc Đề án phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020). Mục đích triển khai mô hình này nhằm thúc đẩy truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân ở cộng đồng về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và triển khai các hoạt động góp phần giảm thiểu những hệ lụy tiêu cực của hôn nhân có yếu tố nước ngoài (hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế, vay vốn, hỗ trợ thủ tục pháp lý liên quan tới quốc tịch, hộ tịch và khai sinh cho trẻ em là con lai được đưa về địa phương sinh sống).