Trẻ em cần được cảm thấy an toàn, được bảo vệ, yêu thương tại gia đình. Tuy nhiên, MICS 2014 (Báo cáo điều tra các mục tiêu về phụ nữ và trẻ em) chỉ ra rằng 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 ở Việt Nam phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý do các thành viên trong gia đình thực hiện kết hợp một loạt các hình thức kỷ luật có bạo lực. Đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm 65,88%.
Trong số gần 6.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện trong giai đoạn 2011-2015 và 6.545 vụ được phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2016 thì 97% những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân, trong đó 47% là người thân trong gia đình.
Tại Việt Nam tồn tại quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, cho rằng phụ huynh có quyền kỷ luật con cái bằng các hình thức bạo lực để các em nhận ra sai lầm và không lặp lại sai lầm đó nữa. Đối với hầu hết trẻ em, bạo lực về thể chất ở nhà có thể dẫn tới hành vi bạo lực về thể chất ở trường học và cộng đồng, thường dưới dạng bắt nạt hay đánh nhau với bạn. Những học sinh có xu hướng bạo lực ở trường học thường bị cha mẹ hoặc anh chị em có hành vi bạo lực về thể chất và tinh thần khi ở nhà.
Bên cạnh đó, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cao gồm: Trẻ em khuyết tật (671.659 trẻ em từ 2 – 17 tuổi); Trẻ em không sống trong môi trường gia đình (trẻ em sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, cơ sở tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, hệ thống làng trẻ SOS, trường giáo dưỡng: khoảng 33.000 trẻ em; Trẻ em có cha mẹ ly hôn (ước tính là 69.000 trẻ em).