Bạo lực gia đình có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai và trẻ em cũng là một trong những đối tượng bị bạo hành. Có thể thấy một thực trạng đáng lo ngại về sự thiếu năng lực và kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình của các em học sinh hiện nay. Trong một xã hội văn minh, tiến bộ, mọi hành vi bạo lực phải được lên án và loại bỏ, đồng thời lớp trẻ cần phải được người lớn trang bị kỹ năng và hướng dẫn cách để chống lại các hình thức bạo lực.
Theo Kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 327/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã nêu rõ Mục tiêu 2: Xây dựng và phát triển dịch vụ CTXH trường học nhằm bảo vệ trẻ em không bị các hình thức xâm hại và bạo lực, hỗ trợ nâng cao năng lực cho trẻ em để các em tự giải quyết các vấn đề của bản thân và hoàn thành quá trình học tập tại trường.
Các trường học cần đầu tư bổ sung vào thư viện của nhà trường các tài liệu liên quan đến giới, giới tính, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình để các em có thể tìm hiểu, nghiên cứu các thông tin, tài liệu chính thống.
Lồng ghép chương trình phòng chống bạo lực gia đình vào các tiết học đạo đức, kỹ năng sống, các chuyên đề, chương trình ngoại khóa, biểu diễn các tiết mục nghệ thuật về nội dung phòng, chống bạo lực gia đình; thi trắc nghiệm tìm hiểu các nguyên nhân, nguy cơ và điều kiện giảm thiểu, từng bước triệt tiêu bạo lực gia đình trong xã hội.
Vậy khi học sinh đã là nạn nhân của bạo lực gia đình, các cơ sở giáo dục cần làm gì? Khi này, Nhà trường cần thực hiện vai trò giúp đỡ, hỗ trợ các học sinh là nạn nhân của BLGĐ thông qua các hoạt động của phòng tư vấn, tham vấn tâm lý hoặc phòng công tác xã hội học đường; liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để hỗ trợ giải quyết.
Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình là yếu tố rất cần thiết để tạo nên những chuyển biến tích cực trong thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình đến đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh.