Có thể nói, yếu tố khởi đầu tạo nên gia đình chính là hôn nhân. Từ quan hệ hôn nhân tạo nên các mối quan hệ khác. Trong đó, hôn nhân là yếu tố nền tảng tạo sự bền vững của gia đình. Để duy trì được cuộc hôn nhân bền vững, mỗi người khi làm vợ, làm chồng không chỉ giữ gìn và thắp lửa tình yêu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn mà còn có trách nhiệm, bổn phận với nhau và với chính cuộc sống mà cả hai cùng tạo dựng. Nghĩa vụ, trách nhiệm đó được thể hiện qua việc vợ chồng cùng chăm sóc nhau, cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con cái, làm việc nhà và đóng góp tài chính.
Khi đã là vợ là chồng mỗi người cần phải biết dành thời gian cho nhau và cho con cái. Trong cuộc sống gấp gáp hiện nay, dường như ai cũng có công việc, sự nghiệp riêng. Nhiều người vì tính chất, áp lực công việc và những mục tiêu theo đuổi mà sao nhãng hoặc quên đi việc chăm sóc người bạn đời của mình, chăm sóc con cái. Khi công thành danh toại nhìn lại mới nhận ra rằng mình đã đánh mất đi một phần giá trị đích thực của cuộc sống. Do đó, ngay từ những năm tháng đầu tiên của đời sống vợ chồng, cả hai cần có sự trao đổi, thống nhất về việc chăm sóc gia đình, con cái. Mỗi người hãy coi con cái như là sự nghiệp của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ biết cách sắp xếp công việc, dành thời gian cho con. Cha mẹ luôn luôn cần phải biết nuôi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho con cái; chăm lo, tạo điều kiện học tập, phát triển đạo đức, trí lực, bảo vệ quyền lợi đồng thời là tấm gương sáng cho con. Tổ chức cuộc sống vợ chồng và chăm sóc, nuôi dạy con là trách nhiệm của cả vợ và chồng. Do đó, người chồng cần tránh việc phó mặc mọi việc gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái cho vợ. Thay vào đó, cả hai hãy cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình nhằm xây đắp tổ ấm hạnh phúc.
Bên cạnh đó, sự chia sẻ, hỗ trợ, đóng góp về tài chính nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trước đây, trong sự phân định chức năng, nghĩa vụ đối với gia đình ông cha ta từng nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm’. Như vậy, trách nhiệm chính của người chồng là kiếm tiền nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc cho gia đình còn người vợ sẽ là người giữ gìn hơi ấm gia đình. Tuy nhiên, ngày nay, trách nhiệm đó được san sẻ cho cả vợ và chồng. Vợ chồng phải cùng nhau gây dựng, chung lưng đấu cật, tìm kiếm cơ hội làm giàu, phát triển kinh tế gia đình. Dù là vợ hay chồng cũng phải luôn ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông với nhau trong công việc, sự nghiệp. Tránh trường hợp mỗi người chỉ biết tạo dựng theo đuổi sự nghiệp cá nhân mà quên đi hoặc coi khinh người bạn đời của mình. Hoặc đôi khi một người vợ hoặc chồng chỉ an phận thủ thường, ỷ lại vào người kia, sống lười biếng, vô trách nhiệm. Nếu trong cuộc sống vợ chồng cả hai không có đóng góp chung về tài chính, kinh tế gia đình khó khăn dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột và những rạn nứt không đáng có, hậu quả có thể là “ai đi đường nấy”, “tan đàn xẻ nghé”. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, hạnh phúc gia đình cần được tạo dựng từ nền tảng vững chắc mà hơn hết là việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất đồng thời là cơ sở để đáp ứng nhu cầu tinh thần. Khi cả hai nhu cầu đó được thỏa mãn thì vợ chồng sẽ hạnh phúc, vui vẻ, cùng chung sức chung lòng tạo dựng mái ấm gia đình.