Theo quy định tại Điều 6 Văn bản Hợp nhất số 370/VBHN-BVHTTDL, ngày 02 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình, quy định:
1. Giám đốc là người đứng đầu cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Giám đốc là người chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của cơ sở trước pháp luật; ký hợp đồng lao động với nhân viên, người lao động làm việc trong cơ sở và các cộng tác viên (nếu có) theo quy định của pháp luật về lao động (trừ những người tình nguyện làm việc cho cơ sở trong thời hạn không quá 3 tháng và không nhận thù lao). Việc quản lý nhân viên, người lao động trong cơ sở thực hiện theo Quy chế được phê duyệt.
2. Người trực tiếp tham gia chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, không tiết lộ thông tin về nhân thân người được tư vấn, chăm sóc cho người khác trừ khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của nạn nhân; tôn trọng, chia sẻ và giúp đỡ tận tình với nạn nhân bạo lực gia đình và người cần được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Trách nhiệm của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình:
a) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình khi tiếp nhận người đến chăm sóc, tư vấn phải ghi vào Sổ theo dõi và được bảo mật thông tin theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình;
b) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình chỉ được từ chối tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, những người đến tư vấn đối với những trường hợp đối tượng cố tình vi phạm Quy chế hoạt động của cơ sở; đối tượng tiếp nhận không đúng chức năng của cơ sở;
Trong trường hợp tại thời điểm tiếp nhận, số lượng người vượt quá khả năng được quy định của cơ sở, người đứng đầu cơ sở phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân xã/phường/thị trấn nơi cơ sở đặt trụ sở để để kịp thời giải quyết;
c) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện quản lý tài chính, tài sản của cơ sở theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chi tiêu từ các nguồn kinh phí tài trợ phải được thực hiện công khai, dân chủ, theo đúng quy định của Quy chế hoạt động đã được phê duyệt, thỏa thuận với nhà tài trợ và theo quy định của pháp luật;
d) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo hoạt động định kỳ 6 tháng và báo cáo năm vào thời điểm 15/5 và 15/11 hằng năm theo mẫu số M7b; M7a ban hành kèm theo Thông tư này cho cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch có thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở đặt trụ sở.