* Cùng xây nhà và xây tổ ấm
Trong gia đình, người vợ là người neo giữ con thuyền hạnh phúc để bạn trở về bến đậu sau những dặm trường mệt mỏi, là mẹ của những đứa con yêu dấu của bạn. Ngày nay, phụ nữ cũng là người lao động giỏi, có hiểu biết, học vấn cao và có địa vị trong xã hội. Họ cũng đóng góp công sức để phát triển kinh tế gia đình. Vậy với tư cách là một người chồng, bạn cùng vợ mình xây đắp cuộc sống gia đình như thế nào? Đừng suy nghĩ theo lối truyền thống rằng người chồng chỉ cần kiếm tiền là đã đóng góp cho hạnh phúc gia đình. Ngày nay, vai trò làm chồng, làm cha đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là những dấu ấn của người nam giới thể hiện qua sự quan tâm
*Trung thực và tin tưởng: Người vợ thường đặt niềm tin yêu vào chồng, do đó sự gắn kết và tin tưởng giữa hai vợ chồng phụ thuộc rất lớn vào sự cởi mở, trung thực của người chồng. Người vợ sẽ rất thất vọng và đau khổ nếu người chồng lừa dối.
* Giữ gìn sự thủy chung: Sự thủy chung với vợ hay chồng giúp cho mỗi thành viên tìm thấy ý nghĩa đích thực trong đời sống hôn nhân. Trong cuộc đời, không mấy ai không bị ngả nghiêng trước sóng gió, chính sự thủy chung sẽ giúp bạn lấy lại thăng bằng, sự ngưỡng mộ và tin yêu của vợ, con.
Những nghiên cứu xã hội học gần đây về vấn đề bạo lực gia đình cho thấy ngoại tình không phải là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến bạo lực gia đình. Nhưng ngoại tình là một trong những lý do được nhắc đến khá nhiều trong nội dung trao đổi với các phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình khi họ bị chồng đối xử tệ bạc, đánh đập, hắt hủi vì lý do muốn bỏ vợ để đến với người tình.
Cảm xúc của người vợ khi ấy ngoài nỗi đau về thể xác còn là sự tổn thương sâu sắc tới lòng tự tôn, của lòng tin. Do vậy, nếu như không còn tình yêu và mục đích sống chung thì cả hai nên lựa chọn những cách cư xử khác để tránh việc làm tổn thương tình cảm của người vợ.
Hiện nay, pháp luật về hôn nhân, gia đình đã ban hành những quy định với chế tài xử phạt nghiêm khắc hành vi làm tổn hại tới quan hệ vợ chồng, cuộc sống gia đình trong đó có hành vi ngoại tình.
* Biết rộng lượng, tha thứ, yêu thương và chia sẻ: Người chồng có trách nhiệm là người vị tha và tận tụy với gia đình, luôn sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ và chia sẻ công việc, niềm vui, nỗi buồn… với người vợ để cả hai vợ chồng luôn sát cánh bên nhau vượt qua mọi khó khăn.
* Không sử dụng bạo lực gia đình, không gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền và ích kỷ:
Trong gia đình ngày nay, vợ chồng đều bình đẳng. Nếu người chồng chỉ muốn thỏa mãn “cái tôi”, coi vợ phải phục tùng chồng, không cho vợ bày tỏ quan điểm, chính kiến, không lắng nghe và tôn trọng vợ thì người chồng không chỉ xúc phạm nhân cách của vợ mà còn tự phá hoại hạnh phúc của chính mình và gia đình. Hãy biết tôn trọng nhu cầu và nhân cách của vợ, bạn sẽ nhận được niềm vui và hạnh phúc gấp đôi.
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại đến thể chất, tinh thần, kinh tế của vợ/chồng trong gia đình. Những số liệu về bạo lực gia đình gần đây ở Việt Nam cho thấy có tới 70% số vụ bạo lực gia đình có đối tượng gây ra là nam giới và thường nạn nhân là phụ nữ – người vợ. Điều này cho thấy bạo lực gia đình đối với phụ nữ phổ biến hơn đối với nam giới và như vậy là có nhiều người chồng đã lựa chọn cách hành xử này trong mối quan hệ vợ chồng.
Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng hạnh phúc, êm đẹp mà cũng trải qua những sóng gió, khó khăn, bất đồng. Không phải ai cũng có những kỹ năng tốt để xử lý cơn nóng giận hoặc đối mặt với khó khăn một cách bình tĩnh, tuy nhiên người chồng – vốn được coi là trụ cột gia đình, chỗ dựa vững chãi của người vợ không nên hành xử cộc cằn, thô lỗ, bạo lực mà hãy cố gắng trao đổi, xử lý mọi khúc mắc theo chiều hướng tích cực.