Gia đình có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, vai trò này càng được nhân rộng và phát huy khi gia đình phối hợp kịp thời với nhà trường. Trách nhiệm đó được thể hiện:
Nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động lành mạnh của trường, cộng đồng và xã hội tổ chức; không để con em bỏ học; không phó mặc, ỷ lại việc giáo dục con em mình cho nhà trường.
Quản lý, giám sát lịch trình học tập, vui chơi, giải trí, sinh hoạt của con em mình ngoài nhà trường; nắm vững diễn biến tư tưởng, đạo đức, học lực của con em, chủ động thông báo cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm những vấn đề không bình thường của con em mình để thống nhất biện pháp phối hợp giáo dục; chủ động nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con em mình, trên cơ sở đó, phối hợp cùng nhà trường giáo dục con em mình.
Tham gia đầy đủ các cuộc họp phụ huynh, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục người học khi có yêu cầu và sự đề nghị tham gia của nhà trường; phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục và hỗ trợ về nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục theo khả năng của mình.
Quan tâm việc nâng cao văn hóa ứng xử và thói quen nền nếp lành mạnh và thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo; người lớn phải là tấm gương trong giao tiếp, ứng xử; đảm bảo an toàn cho trẻ em từ trong gia đình, loại bỏ bạo lực gia đình. Đặc biệt, phối hợp với nhà trường cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại, chia sẻ kinh nghiệm, trò chuyện cởi mở để thấu hiểu, đồng cảm, cùng tháo gỡ vướng mắc cho con của mình.