Gia đình là tổ chức gần gũi nhất với cả nạn nhân và người phạm tội. Tuy nhiên vai trò của gia đình còn rất mờ nhạt trong thời gian qua. Sự bận bịu và thờ ơ của gia đình đối với người thân của mình đã khiến cho họ ít có thời gian dành cho nhau, khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, đôi khi, gia đình không phải là nơi các thành viên chia sẻ, tâm tư tình cảm. Dẫn đến một số sự việc đau lòng khi xảy ra thì gia đình mới biết hậu quả của nó. (Một cô gái ở Thuận Thành, Bắc Ninh trước khi nhảy xuống sông đã chỉ báo tin cho bạn bè chứ không nói một lời nào với gia đình). Điều nguy hiểm là hiện tượng này đã xuất hiện trong xã hội và ngày càng khá phổ biến. Khi sự việc xảy ra nhiều gia đình đã ngỡ ngàng không tin và cố gắng làm hạn chế hậu quả bằng cách lo bảo vệ danh dự của mình và con em trước định kiến xã hội mà che giấu vụ việc gây nhiều khó khăn cho việc trừng trị tội phạm và bảo vệ nạn nhân.
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ, không có thời gian tìm hiểu về bạn bè và mối quan hệ của con trong nhà trường và xã hội nên rất bị động khi tình huống xảy ra với con mình. Không những thế, một số người làm chồng, làm cha đã trực tiếp gây tội ác với vợ, con. Một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Vậy gia đình cần phải nêu cao vai trò của mình trong việc bảo vệ sự an toàn của trẻ em ngay trong chính gia đình của mình.