Cùng với sự phát triển kinh tế, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ các quyền trẻ em nói chung và các quyền liên quan đến bảo đảm an toàn, phòng, chống xâm hại nói riêng.
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành:
– Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này (Khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Điều đó khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của gia đình với mỗi thành viên mà đặc biệt là trẻ em.
– Trẻ em là người dưới 16 tuổi (Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016). Điều đó nói lên trẻ em còn non nớt cả về thể chất và trí tuệ cần được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục.
– Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác (Khoản 5 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016).
Luật Trẻ em năm 2016 đưa ra khái niệm xâm hại trẻ em, còn các hình thức xâm hại trẻ em được quy định cụ thể tại Bộ luật Hình sự. Các hình thức xâm hại trẻ em gồm bạo lực, bóc lột, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc… Trong các hình thức xâm hại, xâm hại tình dục và tình trạng bạo lực học đường đang ở mức báo động trong những năm gần đây.
Từ các bản Hiến pháp, các bộ luật, luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hóa của dân tộc. Ở Việt Nam, quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 (trực tiếp là các Điều 14,15 và được hàm chứa trong một số điều khác) và trong tất cả các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 (gồm cả lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2001), năm 2013. Hiến pháp năm 1992, quyền trẻ em được chế định trực tiếp trong Điều 40 và được hàm chứa trong một số điều khác. Hiến pháp năm 2013, quyền trẻ em được quy định trực tiếp tại khoản 1, Điều 37: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, quyền trẻ em, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo đảm các quyền trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại nói riêng cũng đã được thể chế hóa trong nhiều bộ luật và luật, mà tập trung là Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014….