Để thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đề xuất, giải pháp như sau:
Đề xuất: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng hoàn thiện đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời có quy định, hướng dẫn thống nhất về cơ cấu, bộ máy làm công tác gia đình ở các cấp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nghiêm khắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ ở các cấp. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động cổ động trực quan, truyền thông, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp trong gia đình; phòng ngừa những tệ nạn tiêu cực xâm nhập vào đời sống gia đình. Tổ chức các hoạt động thực hiện nhiệm vụ “Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ” xã, phường, thị trấn xây dựng hoàn thiện mô hình phòng, chống phòng, chống BLGĐ, củng cố và thành lập địa chỉ tin cậy tại cộng đồng trên địa bàn dân cư. Gắn kết công tác phòng, chống BLGĐ trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua của địa phương, đơn vị. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động tích cực, sáng tạo ở mỗi cấp, mỗi ngành và khu dân cư.
Giải pháp: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền; đặc biệt là nêu cao vai trò trách nhiệm của các ngành các đoàn thể, các tổ chức chính trị và các thành viên, gia đình trong việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, phổ biến đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nâng cao các kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới… Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp, để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Củng cố, kiện toàn ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở. Làm tốt việc bồi dưỡng đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, đảng viên, cán bộ làm công tác gia đình và cộng tác viên các cấp. Duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mô hình các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng vào những địa phương có nguy cơ cao về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Bổ sung các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của ấp, khóm, tổ dân phố. Xây dựng biểu bảng dữ liệu thu thập thống kê và xử lý thông tin cơ bản về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, được cập nhật thường xuyên theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, tư vấn và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ; Kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng tổ chức, cá nhân, gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình . Thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Biểu dương gia đình tiêu biểu xuất sắc, tổ chức hội thi, hội diễn, thể dục thể thao, nói chuyện chuyên đề… nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình trong việc quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.