Ngày 07 tháng 4 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Báo cáo số 75/BC-UBND về việc tổng kết triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020
Theo Báo cáo, Kết quả đạt được theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao về tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đạt 92,2%; Tỷ lệ cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLĐ đạt 52,5%; Tỷ lệ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ đạt 99,3%; Số lượng báo cáo viên về PCBLGĐ của tỉnh 100 người; Tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân đạt 95,3%; Tỷ lệ người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi đạt 92,9% và Tỷ lệ số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình PCBLGĐ (Mô hình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đạt 100%.
Việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều chyển biến tích cực, từng bước chặt chẽ và đồng bộ. Công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện Chương trình với nhiều hình thức phong phú, nội dung hấp dẫn, có tính chất lan tỏa sâu rộng. Chủ động lồng ghép với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong đó chú trọng đến nội dung xây dựng gia đình văn hóa với những tiêu chí thiết thực, cụ thể gắn với thực tiễn cuộc sống, nên đã có sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiêm, bên cạnh những kết quả đạt được công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn những hạn chế, yếu kém: Một số địa phương chưa tập trung các nguồn lực cho công tác gia đình hoặc kinh phí dành cho công tác gia đình ở cơ sở còn hạn hẹp. Kinh phí cho công tác triển khai, thực hiện công tác gia đình từ ngân sách Nhà nước còn quá ít chưa đáp ứng được các nhiệm vụ đặt ra. Các địa phương chưa huy động được nguồn lực kinh phí xã hội hóa cho công tác gia đình. Đội ngũ làm công tác gia đình ở cấp huyện, xã chủ yếu kiêm nhiệm, còn hạn chế về kiến thức quản lý nhà nước về gia đình; mặt khác lại thường xuyên thay đổi và luân chuyển, không có đội ngũ cộng tác viên, không bố trí kinh phí chi cho công tác điều tra, thu thập số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vì vậy, công tác thống kê các chỉ số về gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền trên hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng đặc biệt trên hệ thống loa truyền thanh của xã/phường/thị trấn khá sôi nổi nhưng chưa thường xuyên, còn mang tính thời vụ. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình chưa được chú trọng thường xuyên.