Theo Báo cáo, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh chủ động tham mưu và chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về gia đình và tổ chức các hoạt động gia đình gắn với những sự kiện văn hóa, thể thao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các chỉ tiêu nhiệm vụ cơ bản của công tác gia đình trong kế hoạch đề ra đều đạt. Nhận thức của nhân dân và hành động của xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các cấp ủy, chính quyền đã đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu về công tác gia đình vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch của các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện. Các địa phương xây dựng và triển khai kịp thời kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới trên địa bàn, trong đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể hướng tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác gia đình còn một số tồn tại, hạn chế như kinh phí hoạt động về gia đình của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh và Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp huyện, cấp xã còn hạn hẹp; cán bộ làm công tác gia đình phần lớn là kiêm nhiệm, do vậy việc triển khai thực hiện các hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, nhất là đối với việc duy trì và phát triển các mô hình và phong trào tại cơ sở. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thường xuyên, do địa bàn đi lại khó khăn, kinh phí tuyên truyền hạn hẹp. Hoạt động của các mô hình xây dựng và phát triển gia đình nói chung ở một số nơi còn mang tính hình thức, nhất là mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình do không có kinh phí hoạt động; một số vụ bạo lực gia đình chưa được phát hiện và xử lý kịp thời hoặc người dân không khai báo nên dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ và thu thập thông tin.