Trong gia đình, việc các thành viên biết tôn trọng nhau đó là yếu tố ứng xử đầu tiên. Ngay từ khi yêu nhau, trong quá trình cảm hóa và chinh phục trước cả lúc hôn nhân, cặp nam nữ đã biết thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Sự tôn trọng ấy thể hiện thái độ trân trọng, tin tưởng trọn vẹn ở người bạn tình mà sau này là bạn đời của mình. Sự tôn trọng trong tình yêu ấy đã đưa đến tình cảm chồng vợ và một gia đình mới ra đời trong sự tôn trọng nhau của đôi bên gia đình hai họ.
Nếu trong tình yêu ban đầu có sự tôn trọng, thì khi thành vợ chồng, khi có con cái và chung sống với ông bà cha mẹ nữa thì sự tôn trọng ở mỗi người sẽ phải nhân lên gấp nhiều lần.
Tôn trọng là một đức tính quý giá, không thể ngay một lúc mà có được. Nó được hình thành từ trong tính cách và thái độ ứng xử biết mình biết người. Người biết tôn trọng trong gia đình phải là người tự tin và tự tin nhưng không sa vào tự cao tự đại và để thiếu đi lòng tự trọng cần thiết. Giữ gìn tự trọng trong ứng xử gia đình là tối cần thiết để duy trì từ ngọn lửa hạnh phúc, mãi ấm áp tỏa sáng.
Gia đình là tế bào xã hội đồng thời lại là một xã hội thu nhỏ. Vì vậy trong gia đình phải có tôn ti trật tự theo huyết thống gia tộc, theo thứ tự tuổi tác và theo trình độ vốn sống, sự hiểu biết để tôn trọng nhau cho đúng vai, đúng vế, cho hợp lẽ phải.
Cha ông ta đã để lại câu thành ngữ “Cá đối bằng đầu – cá mè một lứa” chính là để phê phán thói hư tật xấu không tôn trọng nhau trong gia đình, họ tộc. Đó là sự quá trớn lỡ đà trong ứng xử gia đình cần phải uốn nắn điều chỉnh theo triết lý nhận thức dân gian: Dạy con từ thủa còn thơ/ Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về.
Tiêu chí ứng xử tôn trọng trong gia đình ở rất nhiều khía cạnh và có những nội dung sâu sắc thể hiện đậm nét qua phong tục, tập quán. Sự tôn trọng về tuổi tác là kính già – yêu trẻ. Đi hỏi già, về hỏi trẻ. Người già là cây cao bóng cả được mọi người tôn kính, được tin yêu, được nghe lời, được chăm sóc tốt nhất từ miếng ăn đến giấc ngủ và sự dưỡng lão cần thiết, tốt nhất trong gia đình. Ngược lại trong gia đình những thành viên ít tuổi cũng nhận được nhiều hơn sự tôn trọng khi được chăm sóc dạy dỗ, nâng niu chiều chuộng đúng mức để khôn lớn trưởng thành.
Trong gia đình, sự tôn trọng nghề nghiệp, sở thích đam mê, học vấn, những hạn chế về sự hiểu biết của nhau cũng cần được tôn trọng đúng mức. Đó là thái độ không coi thường người yếu thế, người có điểm xuất phát thấp, học vấn chưa cao. Hoàn cảnh, cảnh ngộ trước khi lập gia đình không thuận lợi cũng rất cần nhận được sự tôn trọng cảm thông chia sẻ. Không nên khơi gợi những chuyện buồn quá khứ, những kỷ niệm rất riêng mà thời gian đã vùi lấp vào dĩ vãng.
Xúc phạm người thân trong gia đình là lỗi lầm khó có thể tha thứ vì nó đi ngược lại sự tôn trọng cần thiết trong đời sống hôn nhân, sự động chạm khơi gợi vào nỗi đau, lòng trắc ẩn, sự bất hạnh, khuyết tật hay yếu đuối đều rất bất lợi cho người thân. Có không ít người đem sự yếu kém của quê quán, dòng họ, gia đình người thân ra để rỉa rói khi giận dữ, hoặc cười cợt khi bông đùa là rất phản cảm. Vô tình họ đã làm tổn thương, hạ nhục người thân trong gia đình mình.