Ngày 24/9/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, tọa đàm về “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ” được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động hướng tới Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cùng 70 đại biểu là đại diện các đơn vị liên quan tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận, các tổ chức xã hội, phóng viên báo chí tại thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chú trọng thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và thực thi bình đẳng giới. Điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh việc ban hành pháp luật và chỉ đạo thường xuyên về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em với khoảng 18.000 đại biểu tại gần 700 điểm cầu tham dự. Hàng năm, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội có các phiên làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.
Để giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực như hoàn thiện thể chế chính sách, phê duyệt các chương trình, đề án như Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, một số mô hình như Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng, Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, Trường học an toàn, thân thiện không bạo lực, Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái đã được triển khai thực hiện góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ và cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới.
Tác động của các chương trình, mô hình có thể thấy được qua việc một số phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tình dục thay vì cam chịu như trước đây đã dám lên tiếng tố cáo để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý; cộng đồng cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ người bị bạo lực và yêu cầu xử lý thích đáng người có hành vi bạo lực tình dục. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình các cơ quan chức năng, các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện điều tra, xử lý và hỗ trợ nạn nhân.
Do vậy, Tọa đàm này là cơ hội để các nhà quản lý, cán bộ làm chính sách, cơ quan thực hiện chính sách ở địa phương cùng nhìn lại những khoảng trống trong hệ thống pháp luật và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực (và cả người gây bạo lực) để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách thiết thực, xây dựng các dịch vụ hỗ trợ đáp ứng đúng nhu cầu của người bị bạo lực, người gây bạo lực nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững.
Những khuyến nghị, bài học kinh nghiệm từ quốc tế sẽ là những gợi ý hữu ích cho Việt Nam trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án liên quan trong thời gian tới.
Nhân dịp này, thay mặt Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã gửi lời cảm ơn sự hợp tác của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng hành cùng Bộ trong thời gian qua để cùng nỗ lực cho sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam. Thứ trưởng mong muốn cuộc thảo luận này sẽ thu hút nhiều ý kiến đóng góp cầu thị, thẳng thắn nhưng đầy trách nhiệm của các cơ quan chức năng để giải quyết tình trạng này trong thời gian tiếp theo.