Tại Hà Nội, Ủy ban Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (LHQ), Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức Tọa đàm chuyên gia lấy ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Tọa đàm được diễn ra dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc CSAGA.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua năm 2007 đã đưa Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong luật hóa những vấn đề cơ bản trong Hiến chương của LHQ về quyền con người, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Sau 14 năm thi hành Luật, cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, các quy định pháp luật cũng như việc tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần đánh giá, sửa đổi. Cho đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra, trong đó có bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới. Dự án Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới đây.
Ông Khuất Văn Quý đại diện cho cơ quan soạn thảo trình bày về những điểm sửa đổi mới nhất của dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội (tháng 6 năm 2022).
Cũng tại hội nghị lần này, đại diện Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) và CSAGA đã chia sẻ kinh nghiệm và những phương thức hiệu quả nhất trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là những hoạt động truyền thông sáng tạo để nâng cao nhận thức cộng đồng và ứng phó bạo lực gia đình.
Đại sứ và Trưởng đại diện của phái đoàn ngoại giao tại Hà Nội đến từ Australia, Canada, Liên minh Châu Âu, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Cơ quan Liên Hợp Quốc đã gửi đến hội nghị những thông điệp chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia mình trong nỗ lực phòng, chống bạo lực gia đình.