Ngày 13 tháng 01 năm 2021, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-BCĐ về công tác gia đình tỉnh Vĩnh Long năm 2021
Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện công tác gia đình. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức vai trò,vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa; đáp ứng mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030: Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mọi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Theo Kế hoạch, nội dung hoạt động công tác gia đình năm 2021 cụ thể như sau:
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình: Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp cần xem đây là nhiệm vụ thường xuyên đối với các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ gia đình nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình, công tác gia đình; có biện pháp cụ thể trong phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em trong từng gia đình. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, kiện toàn Ban chỉ đạo và Quy chế Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp; quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp tình hình thực tế. Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp trong xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể về công tác gia đình và bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác gia đình theo các văn bản quy định.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỷ năng tuyên truyền, tư vấn đối với Trưởng ấp, khóm, khu phố; Ban chủ nhiệm các Câu Lạc bộ Gia đình phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình đối với Ban Chỉ đạo công tác gia đình các các cấp.
Công tác phòng, chống bạo lực gia đình: Tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình”; Công văn số 4549/BVHTTDL-GĐ ngày 07/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021; Công văn số 752/UBND-VX ngày 24/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng triển khai giải pháp ngăn chặn kịp thời những điểm nóng về bạo lực gia đình tại địa phương; quy định rỏ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương khi để xảy ra bạo lực gia đình; xử lý nghiêm đối tượng gây bạo lực gia đình và trường hợp dung túng, bao che hành vi bạo lực gia đình. Lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương giai đoạn 2021- 2025 và báo cáo tình hình, kết quả phòng, chống bạo lực gia đình trong báo cáo kết quả kinh tế-xã hội ở địa phương khi báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp. Thực hiện tốt công tác thu thập dữ liệu, tổng hợp báo cáo số liệu về gia
đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Thông tư 07/2017/TTBVHTTDL ngày 29/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Tiếp tục duy trì, triển khai nhân rộng Mô hình can thiệp Phòng, chống bạo
lực gia đình tại các địa phương. Vận hành trang thông tin điện tử về phòng, chống bạo lực gia đình sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai.
Công tác tuyên truyền: Tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình; tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân nhận thức rõ gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành công sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về gia đình; đa dạng hóa hình thức, đối tượng tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, tiêu chí ứng xử trong gia đình, chú trọng hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể: Tuyên truyền cổ động trực quan: băng rôn, khẩu hiệu, pa nô…Truyền thông đại chúng báo, đài: Tờ tin văn hóa, trang thông tin điện tử; phát loa truyền thanh; phóng sự truyền hình…đẩy mạnh tuyên truyền các chủ đề về gia đình hưởng ứng các ngày kỷ niệm về gia đình: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông tuyên truyền miệng về các hoạt động thuộc lĩnh vực gia đình: tổ chức Hội thi, hội thảo, hội nghị, tọa đàm hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2001-28/6/2021 – Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6). Truyền thông tuyên truyền trực tiếp đến nạn nhân bạo lực gia đình, người gây bạo lực và có nguy cơ gây ra bạo lực gia đình; truyền thông trong quần chúng nhân dân, người lao động, học sinh – sinh viên, hội viên các đoàn thể…
Công tác phối hợp liên ngành: các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, các địa phương căn cứ nhiệm vụ được phân công theo Quyết định 683/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã ban hành theo Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 03/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh…chủ động có kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan theo lĩnh vực phụ trách phù hợp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác gia đình được phân công. Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ: giáo dục đời sống gia đình; tiêu chí ứng xử trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới trong gia đình; chăm sóc, phát huy vai trò của Người cao tuổi trong gia đình; chăm sóc bảo vệ, giáo dục trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình… Thực hiện báo cáo hàng năm và đột xuất về công tác gia đình theo quy định.
Hoạt động kiểm tra, giám sát Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp chú trọng tổ chức kiểm tra hoạt động công tác gia đình theo quy định và đột xuất theo yêu cầu. Trong đó, Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp huyện, xã cần quan tâm kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương theo Điều 10 của Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định về công tác gia đình.