Để thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đề xuất các giải pháp chính như:
Phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nâng cao trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Đưa công tác phòng, chống bạo lực gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung phòng, chống bạo lực gia đình và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến toàn thể nhân dân; đồng thời nêu gương các điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng; mạnh mẽ phê phán, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm Luật.
Chú trọng công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp liên quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.
Tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép hoạt động này vào các chương trình, dự án và mô hình Câu lạc bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội phụ nữ để đạt hiệu quả cao. Làm tốt công tác tư vấn, hoà giải, đấu tranh, phòng ngừa về bạo lực gia đình tại các cấp. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình, cán bộ làm công tác hoà giải ở cơ sở, Chủ nhiệm các Câu lạc bộ về phòng, chống bạo lực gia đình, Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng phù hợp với từng đối tượng.
Lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình với các phong trào khác của các ban, ngành, đoàn thể như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và đưa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào trong hương ước, quy ước khu dân cư để có cơ sở điều chỉnh hành vi của những người gây bạo lực, người dân theo dõi và nghiêm chỉnh thực hiện.
Tăng cường kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác gia đình nói chung và kinh phí cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng, để tổ chức các hoạt động định kỳ, thường xuyên, đặc biệt là cấp cơ sở; tích cực, chủ động huy động mọi nguồn lực xã hội hoá từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình từ tỉnh đến cơ sở để nắm bắt được thực trạng trong công tác triển khai, có biện pháp tháo gỡ khó khăn. Đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình.