Ngày 30 tháng 9 năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình đã có báo cáo số 143-BC/SVHTTDL về việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Công tác tổ chức thu thập, thống kê, báo cáo các số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình có ý nghĩa quan trọng đối với việc tham mưu, hoạch định các chính sách và giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng. Trong 05 năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về gia đình cấp tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư 07.
Năm 2018, ngay sau khi Thông tư 07 được ban hành; Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện Thông tư 07 hiệu quả. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị tập huấn trên quy mô cấp tỉnh cho 100% cán bộ, chuyên viên, cộng tác viên thực hiện công tác gia đình các cấp; trong đó đặc biệt quan tâm, hướng dẫn đội ngũ công chức văn hóa cấp xã và cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em tại các thôn, tổ.
Từ năm 2019 đến nay, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh bị hạn chế, trong đó có cả các hoạt động tuyên truyền, triển khai công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tuy nhiên vào những khoảng thời gian dịch bệnh tạm thời được khống chế. Các hoạt động tuyên truyền vẫn được thực hiện, ở cấp tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ban, ngành liên quan, mỗi năm tổ chức từ 20 đến 30 hội nghị; cấp huyện, tổ chức từ 35 đến 40 hội nghị truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn. Trong các Hội nghị truyền thông đã chú trọng giới thiệu, tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung Thông tư 07; nêu rõ tầm quan trọng của công việc thu thập, lưu trữ, quản lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình để các địa phương hiểu, thực hiện nghiêm túc, chính xác. Hàng năm, đều tiếp tục duy trì và triển khai xây dựng Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 100 mô hình PCBLGĐ do cấp tỉnh triển khai, tiêu biểu là mô hình PCBLGĐ thị trấn Thanh Nê – Kiến Xương, xã Vũ Lạc, xã Đông Thọ – Thành phố, xã Tân Phong – Vũ Thư, xã Phú Châu – Đông Hưng, xã Thụy Dân – Thái Thụy, xã Quỳnh Hoa – Quỳnh Phụ, xã Hồng Giang – Đông Hưng, xã Quang Bình – Kiến Xương, xã Minh Tân – Hưng Hà… Cùng nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được lồng ghép trong hoạt động của các mô hình khác tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh do các huyện, thành phố chỉ đạo. Trong nội dung sinh hoạt tại các mô hình, có hướng dẫn triển khai nhiệm vụ thu thập, thống kê, báo cáo số liệu về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Thông tư 07.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch biên tập, in và cấp phát 3100 cuốn “Tài liệu hỏi đáp pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”; 2080 cuốn Sổ ghi chép thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2021 – 2025, cấp phát cho 100% thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn và cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố. Trong nội dung biên soạn cuốn sách, đặc biệt là nội dung sổ ghi chép thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, đã bám sát các biểu mẫu thống kê, báo cáo được nêu trong Thông tư 07, trong đó bổ sung thêm những chỉ số thống kê về hôn nhân gia đình, trẻ em, người cao tuổi… cho phù hợp với công tác phối hợp liên ngành trong công tác gia đình tại địa phương. Hàng năm, tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và gia đình các cấp đều có nội dung đánh giá hoạt động triển khai, thực hiện Thông tư 07.