Ngày 19 tháng 11 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành văn bản số 4119/UBND-KGVX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cơ bản nhất trí với các dự thảo; tuy nhiên để hoàn thiện, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉnh sửa một số góp ý, cụ thể như sau:
Tại điểm a, khoản 11, Điều 3: Dung túng, bao che bạo lực gia đình được hiểu là một trong các hành vi sau đây: (a) Chứng kiến vụ việc bạo lực gia đình nhưng không báo tin cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đề nghị chỉnh sửa nội dung cuối như sau: “…cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền”.
Tại Điều 15. Trách nhiệm của Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp: (1) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình. (2) Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. (3) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Đề nghị xem lại cụm từ “…các cấp” trên tiêu đề, không phù hợp với nội dung ở khoản 3 Điều này “Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…”.
Tại Điều 17. Quyền và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, có quy định: 1. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có quyền sau: (a) Cử đại diện tham gia xét xử hội thẩm nhân dân các vụ án bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; (b) Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng hoặc hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc; áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khẩn cấp cho người bị bạo lực gia đình là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… Như vậy, chỉ dừng lại bảo vệ người bị bạo lực là hội viên của Hội, xét thấy chưa đầy đủ, nếu đối tượng là chị/em nữ từ 16 – 17 tuổi chưa là hội viên của Hội Phụ nữ mà bị bạo lực thì ai sẽ bảo vệ? trong dự thảo Luật này chưa đề cập.
Tại điểm d, khoản 2, Điều 19. Mục đích, yêu cầu trong thông tin, giáo dục, truyền thông đề nghị bổ sung thêm cụm từ “vùng biên giới”. Cụ thể: “Chú trọng đến đối tượng có nguy cơ cao và tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn”.
Tại Điều 35. Điều kiện, thẩm quyền và thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, cụ thể điểm a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo đề nghị của người bị bạo lực, người giám hộ hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư, Công an cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức mà người bị bạo lực gia đình là thành viên trên cơ sở được sự đồng thuận của người bị bạo lực”. Tuy nhiên, đề nghị cũng cần có quy định và căn cứ tính chất của vụ việc, Công an ra quyết định cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình thì không cần đến đề nghị của nạn nhân, nhằm áp dụng biện pháp ngăn chặn từ xa (cấm tiếp xúc), bảo vệ nạn nhân cũng như những thành viên khác trong gia đình.
Tại Điều 38. Các nguyên tắc thực hiện trong thời gian cấm tiếp xúc, cụ thể: (1) Người bị bạo lực gia đình được ưu tiên lựa chọn chỗ ở tại nhà hoặc nơi tạm lánh trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. (2) Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình tối thiểu 50m, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không giới hạn khoảng cách. (3) Khuyến khích áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ để hỗ trợ giám sát việc thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc. Trong thời gian qua, việc áp dụng biện pháp bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người bị hại phải ra khỏi nhà trong khi họ thường là người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi). Theo dự thảo lần này thì người bị bạo lực gia đình “…được ưu tiên lựa chọn chỗ ở tại nhà…”. Tuy nhiên, phải có chế tài chặt chẽ, mang tính răn đe đối với người bị cấm tiếp xúc không tiếp tục vi phạm, nhằm bảo vệ người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi). Đồng thời, xét thấy cần thiết nên quy định cụ thể vào Luật này thêm nội dung “…người có hành vi bạo lực gia đình là người phải ra khỏi nhà trong thời gian cấm tiếp xúc”.
Cần thống nhất tên gọi “lực lượng vũ trang nhân dân” hay “lực lượng vũ trang” trong dự thảo Luật này.