Quảng Ninh là một trong 12 tỉnh, thành đại diện cho các vùng văn hóa trên cả nước, được lựa chọn để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình từ tháng 6 năm 2019. Tuy nhiên, Quảng Ninh chủ động triển khai sớm các hoạt động, ngay từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 với các nội dung tập huấn, tuyên truyền cho các nội dung triển khai thí điểm.
Lựa chọn 02 xã Tiền An (Thị xã Quảng Yên); xã Yên Than (huyện Tiên Yên) triển khai thực hiện thí điểm trong đó có 01 xã thuộc vùng nông và 01 xã vùng núi, sau hơn 02 năm thực hiện thí điểm mô hình, Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã ban hành 09 văn bản chỉ đạo trong đó 01 quyết định, 01 văn bản chỉ đạo và 07 Kế hoạch triển khai các nội dung thực hiện thí điểm mô hình Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; 100% các sở, ban, ngành đoàn thể; 13/13 huyện, thị xã, thành phố; 177/177 xã, phường, thị trấn, đã xây dựng văn bản triển khai tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử trên đia bàn tỉnh trong đó có nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tới 1544 thôn, khu, bản…Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh tổ chức 25 hội nghị tập huấn, truyền thông với các nội dung về giáo dục đời sống gia đình, kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống khi có bạo lực gia đình, công tác bình đẳng giới, phòng chống xâm hại đối với phụ nữ trẻ em, công tác Dân số – KHHGĐ; phòng, chống tảo hôn cận huyết thống cho đồng bào dân tộc thiểu số cho trên 4.500 lượt chi hội trưởng chi hội phụ nữ, cộng tác viên dân số, các đồng chí trưởng thôn, khu bản và các cặp đôi chuẩn bị kết hôn, cặp vợ chồng mới kết hôn. Tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép các nội dung của Bộ tiêu chí ứng xử vào các tiểu phẩm như: “Bù nhìn Rơm”; “ Nỗi đau còn đó” “ Thùng nhân” được đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia hưởng ứng và để lại ấn tượng tốt đẹp. Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh tổ chức 08 buổi truyền thông cộng đồng cung cấp các kiến thức về giáo dục đời sống gia đình; đạo đức lối sống trong gia đình, các kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, công tác bình đẳng giới, chăm sóc người già trẻ em, các nội dung về Dân số – KHHGĐ…cho 1.260 đại biểu nhân dân tham dự. Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh còn phối hợp với Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội tổ chức thí điểm mô hình đưa quy tắc hỗ trợ bình đẳng giới vào các quy ước, hương ước của các địa phương: Bằng Cả (Hoành Bồ) Cẩm Thịnh (Cẩm phả); Quảng Lợi (Đầm Hà) Quảng Minh (Hải Hà) đến nay đã in ấn niêm yết quy ước, hương ước thôn bản tại nhà văn hóa các thôn khu bản thuộc 04 xã thực hiện thí điểm các nội dung trên.
Nhận thức về việc giữ gìn văn hóa tốt đẹp trong gia đình là vô cùng quan trọng là nền tảng của giá trị đạo đức lối sống. Thời gian thí điểm, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó chú trọng chỉ đạo công tác tuyên truyền bằng băng rôn, pano, băng rôn, khẩu hiệu; Tập trung tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; Gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình; chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình; thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, với các nội dung sinh hoạt theo chủ đề: ứng xử chung trong gia đình; ứng xử vợ, chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử của anh, chị, em ruột trong gia đình.
Qua quá trình triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, do có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, nên đạt được những kết quả tích cực; nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được nâng lên rõ rệt. Nhân dân trên địa bàn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí đã cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Dù trong quá trình tổ chức thực hiện còn có những tồn tại, hạn chế như: Do chỉ mới thí điểm trên 2 địa bàn nhỏ, nên chưa có sự lan tỏa mạnh mẽ đến toàn bộ người dân cả tỉnh; sự chưa thống nhất từ các nội dung chỉ đạo, triển khai đôi lúc còn gây lúng túng cho địa phương; nguồn tài liệu tuyên truyền chưa được phong phú; nguồn kinh phí, các hạn mức chi còn thấp (chưa phù hợp với các quy định tài chính hiện hành), nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện Bộ Tiêu chí đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình và xã hội gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí…Tuy nhiên, việc triển khai đưa Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình vào thực tiễn là hết sức cần thiết, bởi việc triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình còn nhằm củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi con người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội vì vậy các tiêu chí đều được triển khai thực hiện và thực hiện có hiệu quả.
Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh cũng đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đầu tư thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong những năm tiếp theo.