Ngày 23 tháng 10 năm 2021, UBND tỉnh có Công văn số 1499/UBND-KGVX về việc góp ý dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021, sau khi nghiên cứu, UBND tỉnh Lạng Sơn cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung các dự thảo và có một số ý kiến cụ thể như sau:
Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030: Thống nhất giai đoạn thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu của Chiến lược. Tại khoản 3, mục I, đề nghị xem xét thống nhất giai đoạn thực hiện Chiến lược cho phù hợp với trích yếu và các nội dung của Quyết định, cụ thể trong văn bản nêu: “Xây dựng chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tại khoản 3, mục III (Chỉ tiêu 1: đề nghị xem xét, tách thành 2 Chỉ tiêu cụ thể, vì nội dung của chỉ tiêu này là nhiệm vụ của 2 ngành. Chỉ tiêu 5: đề nghị xem xét, bỏ Chỉ tiêu 5 vì nếu hằng năm trung bình giảm 10% hộ gia đình có bạo lực thì giai đoạn 2025 – 2030 sẽ không còn vụ bạo lực gia đình nên không hợp lý. Chỉ tiêu 6: đề nghị xem xét, bổ sung tỷ lệ % của năm 2025; cụ thể hóa cụm từ “hệ giá trị gia đình”. Chỉ tiêu 7: đề nghị xem xét, bổ sung tỷ lệ % của năm 2025 các hộ gia đình cam kết thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình). Tại khoản a, điểm 1, mục VII có giao chỉ tiêu 4 cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn thực hiện. Đề nghị xem xét giao chỉ tiêu này cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới: Về bố cục (Đề nghị xem xét sắp xếp lại bố cục dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW cho phù hợp, cụ thể như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU; II. NỘI DUNG; III. NHIỆM VỤ; IV. KINH PHÍ; V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN); Về Nội dung (Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đưa các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể vào dự thảo để từ đó có cơ sở xác định các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện trong Kế hoạch bảo đảm phù hợp, đạt được mục đích đề ra; việc đưa các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể vào kế hoạch sẽ giúp cho việc đánh giá sơ kết, tổng kết được thuận lợi. Đề nghị sắp xếp lại theo trình tự, nhóm các nhiệm vụ vào thành một mục riêng. Phần Tổ chức thực hiện cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban, ngành, đoàn thể thực hiện kế hoạch).
Dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới: Tại Chỉ tiêu 2, Mục tiêu 1 (Đề nghị xem xét đưa ra nội dung cho phù hợp vì hằng năm kinh phí cấp cho công tác gia đình còn hạn chế, không đủ kinh phí mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các thành viên của mô hình, tổ tư vấn, tổ hòa giải, cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở). Tại Chỉ tiêu 8, Mục tiêu 3 (Đề nghị xem xét, lược bỏ chỉ tiêu này vì người vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình khi được phát hiện đều bị xử lý theo quy định của pháp luật). Tại Chỉ tiêu 15, Mục tiêu 4 (Đến năm 2025, có trên 95% xã, phường, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động Mô hình phòng chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của trung ương. Chỉ tiêu này quá cao, đề nghị xem xét, sửa thành: đến năm 2025 đạt 85% xã, phường).
Dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030: Về thể thức (Đề nghị bổ sung dấu (:) sau QUYẾT ĐỊNH; in đậm các mục số la mã); Về nội dung (Đề nghị xem xét, điều chỉnh giảm các chỉ tiêu, vì các chỉ tiêu trong dự thảo được xây dựng quá cao. Đề nghị xem xét, thay cụm từ “có ít nhất” thành “đạt”. Đề nghị xem xét lại Chỉ tiêu 5, vì trong Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 Chỉ tiêu này đã đạt 80%. Tại Phần 7, Mục IV, đề nghị đưa nội dung này lồng ghép vào các mô hình hiện đã có tại cộng đồng. Tại Phần 8, Mục IV, đề nghị xem xét tính khả thi vì để thành lập trung tâm, cơ sở tư vấn, giáo dục tiền hôn nhân cần phải có nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện).