Ngày 04 tháng 11 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 7906/CTrHĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 13/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Mục đích nhằm quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 13/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 06-CT/TW và Kế hoạch số 19-KH/TU). Qua đó nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương; đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của gia đình, công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Chỉ thị số 06-CT/TW và Kế hoạch số 19-KH/TU nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Tăng cường và nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp của các sở, ban, ngành trong tỉnh và lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Cụ thể, đối với mục tiêu chung đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và của đất nước liên quan đến gia đình nói chung; thông qua các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án…góp phần hỗ trợ gia đình phát triển bền vững no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại.
Chương trình hành động cũng nêu mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể:
Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.
Tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.
Nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt được các chỉ tiêu cơ bản: 100% cán bộ, đảng viên được học tập quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình; 98% trở lên hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập và gia đình. 80% hộ gia đình được phổ biến đầy đủ và thực hiện các nội dung của Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. 97% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu, tạo điều kiện cho con cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con, cháu là trai hay gái. 90% trở lên các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hàng năm có ít nhất 4 buổi sinh hoạt lồng ghép nội dung giáo dục liên quan đến thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình. 97% trở lên hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế. Hằng năm, tăng 15% hộ gia đình, thành viên trong gia đình được thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục và dịch vụ hỗ trợ gia đình, hỗ trợ thành viên gia đình.