Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm “đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, nhất là việc triển khai các hoạt động, chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm tra, rà soát việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, thân thiện với trẻ em, đặc biệt đối với các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, khu dân cư, nhà cao tầng, khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý