Ngày 11 tháng 11 năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản số 1651/SVHTTDL-VHGĐ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cơ bản nhất trí với các dự thảo; tuy nhiên để hoàn thiện, Sở VHTTDL chỉnh sửa một số nội dung cụ thể như sau:
Tại dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đề nghị bổ sung địa danh, ngày tháng năm ban hành văn bản; quyền hạn, chức vụ, họ và tên của người ký văn bản cho phù hợp với Mẫu số 04 Phụ lục 5 Nghị định số
154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại khoản 6, Điều 3, đề nghị bổ sung quy định về biểu hiện của người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình: d) “Đánh bạc, nghiện game, người không có thu nhập ổn định; người sống trong gia đình có bạo lực” thành “Đánh bạc, nghiện game, người không có thu nhập, người không có thu nhập ổn định; người sống trong gia đình có bạo lực, người thường xuyên tiếp xúc với văn hóa phẩm đồ trụy”.
Tại Khoản 7 Điều 3: “Cấm tiếp xúc là biện pháp được Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã” đề nghị sửa thành “Cấm tiếp xúc là biện pháp được Chủ tịch
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã)”.
Tại Điều 4. Hành vi bạo lực gia đình đề nghị bổ sung thêm khoản 15. “Ép buộc mang thai hoặc phá thai; ép buộc lựa chọn giới tính của thai nhi, ngăn cản sử dụng biện pháp tránh thai; cản trở thành viên gia đình thực hiện quyền học tập, lao động”.
Tại Điều 4, đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa gộp chung 3 khoản 7,8,9, Điều 4, vào một khoản tích hợp.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 17: a) “Cử đại diện tham gia xét xử hội thẩm nhân dân các vụ án bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” đề nghị sửa lại thành “Cử đại diện hội thẩm nhân dân tham gia xét xử các vụ án bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”.
Tại Điều 18: “Quyền và trách nhiệm của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế” đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa thành “Quyền và trách nhiệm của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế”.
Tại khoản 8 Điều 20: “Các biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, tác hại của sử dụng rượu, bia” xem xét bổ sung như sau: “Các biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, tác hại của sử dụng rượu, bia, ma tuý và các chất gây nghiện khác”. Cho thống nhất và phù hợp với Điều 3 của dự thảo Luật.
Tại khoản 3, Điều 28, có nêu “Ủy ban nhân dân cấp xã hằng năm có trách nhiệm tổ chức tập huấn cho các hòa giải viên tham gia phòng, chống bạo lực gia đình” đề nghị xem xét đưa nội dung kinh phí thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình vào Luật vì hiện nay các xã, phường, thị trấn hầu như không được cấp kinh phí cấp riêng để hoạt động cho công tác gia đình nói chung và công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng. Do vậy, Điều này trong Luật khi đưa ra sẽ không có tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Điều 31: Đề xuất bổ sung thêm một nguyên tắc “bảo đảm bí mật về thông tin cá nhân của người bị bạo lực gia đình”. Lý do: Người bị bạo lực gia đình không mong muốn đời sống riêng tư của mình bị tiết lộ, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm.
Tại khoản 2, Điều 46: “Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người tố giác hành vi bạo lực gia đình nếu bị thiệt hại về tài sản mà người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thì được Nhà nước hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại;…”: đề nghị nghiên cứu có thể chỉnh sửa: “Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người tố giác hành vi bạo lực gia đình nếu bị thiệt hại về tài sản mà người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thì được Nhà nước hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại;…” và có biện pháp bắt buộc người gây thiệt hại phải chịu bồi thường có thể trong thời gian dài, tránh tạo tâm lý ỷ lại vào Nhà nước.