Đánh giá về sự chuyển biến trong nhận thức
Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó chú trọng chỉ đạo công tác tuyên truyền bằng pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu; Tập trung tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình; chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình; thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, với các nội dung sinh hoạt theo chủ đề: Ứng xử chung trong gia đình; ứng xử vợ, chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử của anh, chị, em ruột trong gia đình.
Qua quá trình triển khai thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, do có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, nên đạt được những kết quả tích cực; nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được nâng lên rõ rệt. Nhân dân trên địa bàn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí đã cơ bản nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Việc triển khai đưa Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình vào thực hiện là hết sức cần thiết, bởi việc triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình còn nhằm củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi con người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Đánh giá hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc triển khai thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình
Công tác phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được quan tâm thực hiện; đặc biệt là sự nhiệt tình chung tay vào cuộc của cán bộ và nhân dân trên địa bàn triển khai thí điểm.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc triển khai thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình; hướng dẫn tổ chức thực hiện việc tuyên truyền Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời triển khai đúng quy trình, tiến độ và phương pháp tiến hành, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng các hoạt động tuyên truyền trọng tâm, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhân dân trên địa bàn thí điểm.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tăng cường phối hợp triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng nội dung và ý nghĩa Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình cho các chị em hội viên, phụ nữ tại các câu lạc bộ như: CLB gia đình phát triển bền vững; CLB xây dựng gia đình hạnh phúc; các mô hình giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân, giáo dục đời sống gia đình; mô hình dịch vụ gia đình… góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, qua đó ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, góp phần củng cố và phát huy những giá trị gia đình truyền thống Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng đã bố trí thời gian đưa tin, phát sóng các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình lồng ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong các kênh quảng bá để thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo quần chúng nhân dân.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố luôn chú trọng triển khai đưa Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình vào các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, góp phần từng bước nâng cao nhận thức trong nhân dân, đặc biệt các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình đã được quan tâm bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Tồn tại, hạn chế
Nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện Bộ Tiêu chí đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình và xã hội gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí.
Một bộ phận thành viên đăng ký, thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình còn mang tính hình thức, đặc biệt là thế hệ trẻ (thanh, thiếu niên); số lượng thành viên đến tham gia trong các buổi sinh hoạt chuyên đề chưa thực sự đảm bảo yêu cầu về số lượng.
Nguồn lực cho việc thực hiện Bộ Tiêu chí còn hạn chế, đặc biệt là đối với các địa phương không thuộc địa bàn được chọn triển khai điểm, mới chỉ dừng lại ở việc ban hành kế hoạch thực hiện và lồng ghép triển khai tuyên truyền Bộ tiêu chí với thực hiện nhiệm vụ chung của công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.