Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hoà đã có Văn bản số 2797/BC-SVHTT về việc báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021.
Để triển khai thực hiện Công văn số 4549/BVHTTDL-GĐ ngày 07/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 371/UBND-KGVX ngày 14/01/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021; trong đó, UBND tỉnh giao các Sở, ngành, địa phương thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh như: Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Quyết định số 937/QĐ-UBND ngày 15/4/2015 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Công văn số 2218/UBND-KGVX ngày 12/3/2020 của UBND tỉnh chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2055/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 về kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Khánh Hoà nhằm củng cố, xác định lại thành viên, đảm bảo hoạt động chỉ đạo thông suốt, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Tính đến thời điểm báo cáo, theo thống kê trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra 24 vụ bạo lực gia đình (giảm 04 vụ so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 10 vụ bạo lực tinh thần, 07 vụ bạo lực thân thể, 07 vụ bạo lực kinh tế và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ (20 người), 04 nam giới. Các biện pháp xử lý gồm có 01 vụ góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư và 02 vụ xử phạt hành chính; 100% số người bị bạo lực và người gây bạo lực gia đình đã được tổ hoà giải địa phương can thiệp và tư vấn kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình.
Năm 2021, thành phố Nha Trang đã thực hiện tiếp nhận 15 vụ hòa giải, trong đó, hòa giải thành công 15/15 vụ, đạt tỷ lệ 100%. Các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát ngoài hoạt động kiểm sát, xét xử, nhất là xử lý các vụ việc hôn nhân và gia đình, còn thể hiện vai trò là đơn vị tuyên truyền đến quần chúng nhân dân thực hiện tốt Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Trong năm 2021, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 3.567 vụ việc hôn nhân – gia đình, trong đó có 3.151 vụ việc ly hôn, chiếm tỷ lệ 88,33% trong tổng số vụ việc đã thụ lý. Trong số vụ việc ly hôn, có 66 vụ liên quan bạo lực gia đình, chiếm tỷ lệ 2,1%. Kết quả đã giải quyết được 3.136 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,91%. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ bạo lực gia đình trong thời gian qua còn gặp rất nhiều khó khăn do sự hợp tác của gia đình và nạn nhân thiếu tích cực. Mặt khác, nạn nhân còn e ngại không mạnh dạn báo cơ quan chính quyền để được bảo vệ và kịp thời xử lý những hành vi sai trái đối với người gây ra bạo lực gia đình.
Công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ; 100% cấp huyện, cấp xã xây dựng Kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác gia đình, nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thông qua công tác truyền thông, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể đã được nâng lên, vai trò và trách nhiệm của mỗi cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan được thể hiện rõ ràng, nhận thức của đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc có sự chuyển biến rõ nét, tích cực, nhiều chương trình, chính sách được phổ biến và đi vào cuộc sống.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình triển khai chưa thật sự phong phú, đa dạng, chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông Báo, Đài… chưa tổ chức được lớp tập huấn nhằm cập nhật các văn bản, kiến thức mới cho cán bộ làm công tác gia đình cấp huyện, cấp xã.