Mặc dù không phải là tỉnh được Trung ương chọn thí điểm thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình nhưng Ban Chỉ đạo Công tác Gia đình từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí trên địa bàn tỉnh. Sau 2 năm triển khai, các địa phương được chọn thực hiện thí điểm đã đạt được nhiều kết quả bước đầu tích cực. Hiện 11 huyện, thành phố, thị xã đang nhân rộng Bộ Tiêu chí nhằm nâng cao giá trị, chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, mối quan hệ của các thành viên trong gia đình.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 02 Hội nghị tập huấn thí điểm Bộ Tiêu chí cho cán bộ công tác gia đình, Công chức Văn hóa – Xã hội, cán bộ phụ nữ cấp huyện và Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp xã, Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ về gia đình, các trưởng ấp, khu phố tại địa bàn được lựa chọn thí điểm với 502 đại biểu tham dự. Tổ chức triển khai thí điểm tại 11 xã, phường, thị trấn: in 10.800 bộ phiếu khảo sát, đăng ký, tổng hợp thực hiện Bộ tiêu chí; in 50.000 tờ gấp tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình phát hành trên địa bàn tỉnh; xây dựng 11 pa nô tuyên truyền tại 11 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm cấp tỉnh.
Các huyện, thành phố, thị xã tích cực triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí tại các xã thí điểm cấp huyện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn bằng pa-nô, băng-rôn, khẩu hiệu và hệ thống loa đài; đồng thời, phát các tờ rời Bộ tiêu chí đến tận các gia đình và các buổi tọa đàm xây dựng gia đình hạnh phúc được 86 cuộc với hơn 8.490 lượt tham gia.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các huyện, thành phố, thị xã đã lồng ghép tuyên truyền Bộ tiêu chí trong các cuộc hội họp, liên hoan,…. Ở cơ sở thực hiện lồng ghép tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong hoạt động khác, như: Các cuộc họp của cấp ủy, sinh hoạt ấp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, bình xét đánh giá gia đình văn hóa, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững,…
Việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã góp phần thay đổi nhận thức về văn hóa ứng xử gia đình theo hướng tích cực. Các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng; duy trì các giá trị đạo đức, văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, qua thực hiện Bộ Tiêu chí, còn góp phần thay đổi trong hành vi, lời nói, lối ứng xử có trách nhiệm hằng ngày của từng thành viên, từng gia đình, các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn, dành nhiều thời gian cho con, dạy con cách ứng xử với mình, với người; về tình thương yêu và sự quan tâm, trách nhiệm cũng như tác phong, lễ nghi, phong tục, tập quán… Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, kinh tế gia đình cũng từng bước cải thiện.