Ngày 05 tháng 01 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn 2022-2030)
Mục đích nhằm cụ thể hóa việc tổ chức, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác xây dựng các mục tiêu của gia đình tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; phát huy vai trò của gia đình để góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, của tỉnh.
Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân về xây dựng gia đình trong tình hình mới: Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng gia đình hạnh phúc; truyền thông, hướng dẫn các hộ gia đình hiểu sâu về kiến thức, kỹ năng xây dựng các mục tiêu của gia đình bền vững. Đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về gia đình, các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; phòng ngừa rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình thông qua các đề án, chương trình, dự án truyền thông sáng tạo, truyền thông số, sản phẩm văn hóa nghệ thuật ca ngợi, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình; giới thiệu mô hình mới, kinh nghiệm hay, tấm gương điển hình, tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc; thí điểm các mô hình hỗ trợ cung cấp dịch vụ gia đình. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới: Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản về công tác xây dựng gia đình; xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước. Đưa các mục tiêu của gia đình lồng ghép vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và huy động xã hội hóa trong lĩnh vực gia đình nhằm tăng cường các nguồn lực xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững. Tổ chức các hình thức phù hợp hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11).
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến lược, đề án, chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng các mục tiêu của gia đình. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm phát huy hiệu quả, đồng bộ trong hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho gia đình; trong đó ưu tiên hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình dân tộc thiểu số được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ xã hội thuận lợi, bình đẳng. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nhân lực làm công tác gia đình các cấp. Kiện toàn mạng lưới cộng tác viên y tế, dân số, gia đình và trẻ em nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực hỗ trợ công tác gia đình ở cơ sở. Tăng cường quản lý nhà nước về gia đình. Tiếp tục nghiên cứu các chuẩn mực truyền thống, giá trị văn hóa gia đình để đề xuất các giải pháp phục vụ công tác quản lý Nhà nước về gia đình. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em. Lồng ghép nội dung chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong xây dựng các mục tiêu của gia đình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về gia đình, kịp thời hướng dẫn, đề xuất, kiến nghị những phát sinh, bất cập cần điều chỉnh trong công tác gia đình ở các cấp.
Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu tổ chức triển khai Chỉ thị sâu rộng, hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; lồng ghép công tác xây dựng gia đình với các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đơn vị, địa phương. Nội dung Kế hoạch phải thiết thực, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phối hợp tham mưu thực hiện nhiệm vụ.