Ngày 21 tháng 10 năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 2190/SVHTTDL-GĐ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021.
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo các văn bản, tuy nhiên có một số góp ý như sau:
Đối với Dự thảo Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030: Chỉ tiêu 1 đề nghị chia thành 2 chỉ tiêu cụ thể cho hai ngành là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội; Chỉ tiêu 2 đề nghị giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị phối hợp thực hiện; Chỉ tiêu 6 đề nghị bổ sung tỷ lệ % của năm 2025; cụ thể hóa cụm từ “hệ giá trị gia đình”; Chỉ tiêu 7 đề nghị sửa thành “Phấn đấu đến năm 2025 đạt …% và đến năm 2030 đạt 90% hộ gia đình thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Không cam kết vì hàng năm các hộ gia đình đã đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa); đề nghị bổ sung vào phần 3 Mục IV và điểm đ phần 1 Mục VII nội dung, tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em 25/11”; tại Phần 8, Mục IV. Đề nghị bổ sung thời gian sơ kết vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030; tại Phần 13, Mục VII đề nghị bổ sung “Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số.”; tại Điểm b, Phần 16, Mục VII đề nghị sửa lại thành “Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về gia đình; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác gia đình. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên Dân số kiêm công tác Gia đình và Trẻ em ở cơ sở trình Hội đồng nhân dân cùng cấp.”; tại Điểm c, Phần 16, Mục VII đề nghị sửa lại thành “Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện tốt quy ước, hương ước ở cộng đồng dân cư.”; tại Điểm d, Phần 16, Mục VI đề nghị bổ sung “Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kế hoạch thực hiện Chiến lược; tổ chức sơ kết vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030 tại địa phương; khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược.”.
Đối với dự thảo Quyết định Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới: Về tiêu đề đề nghị bỏ từ “hành động”, sửa lại thành “Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” theo Công văn 4649/VPCP-KGVX ngày 12 tháng 7 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ; Về bố cục và kết cấu dự thảo nên sắp xếp thứ tự thành “I. Mục đích, yêu cầu II. Nội dung thực hiện III.Nhiệm vụ và giải pháp IV.Nguồn kinh phí thực hiện V. Tổ chức thực hiện”; Về nội dung đề nghị tách phần nhiệm vụ và giải pháp ra từng mục cụ thể.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới: Chỉ tiêu 8, Mục tiêu 3 đề nghị bỏ vì người vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ khi được phát hiện đều bị xử lý theo quy định của pháp luật; Chỉ tiêu 9 và chỉ tiêu 10, Mục tiêu 3 đề nghị gộp chung nội dung thành 1 chỉ tiêu; Chỉ tiêu 11, Mục tiêu 3 đề nghị sửa lại: “Đến năm 2025 đạt 70% và từ năm 2025, hằng năm duy trì đạt trên 70% người có tiền sử nghiện rượu, bia có hành vi bạo lực gia đình được hỗ trợ cai nghiện rượu, bia …”; Chỉ tiêu 12, Mục tiêu 4 đề nghị sửa thành “Đến năm 2025 đạt 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai đề án xây dựng đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm cộng tác viên gia đình và trẻ em ở cơ sở” theo Quyết định 496/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp; Chỉ tiêu 15, Mục tiêu 4 sửa thành Đến năm 2025, có trên 95% xã, phường, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động Mô hình PCBLGĐ theo hướng dẫn của trung ương; Điểm b, Phần 2, Mục IV đề nghị sửa lại thành “Xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; Điểm d, Phần 2, Mục IV đề nghị sửa thành “Kiện toàn BCĐCTGĐ các cấp, nâng cao năng lực cho các thành viên BCĐCTGĐ thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Thành lập đội ngũ công tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cộng đồng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống BLGĐ, thu thập thông tin về BLGĐ ở cộng đồng.”; Tại mục VI, bên cạnh phân công nhiệm vụ của các Bộ, ngành, đề nghị bổ sung phân công đơn vị chủ trì và phối hợp thực hiện các Chỉ tiêu.
Đối với Dự thảo Quyết định phê duyệt chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030: Đề nghị xem xét lại việc xây dựng các chỉ tiêu, trong dự thảo đưa chỉ tiêu quá cao; nêm xem xét lại Chỉ tiêu 5, vì trong Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến đến năm 2020 Chỉ tiêu này đã đạt 80%; Thay cụm từ “có ít nhất” thành “đạt”; Phần 7, Mục IV “Xây dựng và vận hành mô hình “người mẹ mẫu mực” dành cho trẻ em gái để xóa bỏ tảo hôn, kết hôn sớm khi chưa đủ khả năng làm mẹ an toàn và bảo đảm tương lai cho con; mô hình “gia đình tôi yêu” dành cho nam, nữ đã thành niên để xóa bỏ hôn nhân ép buộc có nhiều nguy cơ bạo lực” đề nghị không xây dựng thêm các mô hình này, rất khó cho cơ sở, nên đưa nội dung này lồng ghép vào nội dung hoạt động của các mô hình gia đình hiện đã có trong cộng đồng; Phần 8, Mục IV đề nghị xem xét tính khả thi; Phần 1, Điều 2 (Tổ chức thực hiện Chương trình) đề nghị bổ sung nội dung “Biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” vào nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.